en vi

Tìm hiểu về những địa điểm du lịch tâm linh độc đáo ở Thái Nguyên

27/11/2022

 

Du lịch tâm linh Thái Nguyên là một chủ đề đầy hấp dẫn và thu hút nhiều khách du lịch. Thái Nguyên là một tỉnh nằm ở vùng đất miền núi phía Bắc, được ví như "thiên đường tâm linh" với nhiều di tích, chùa chiền và đền đài có niên đại lịch sử lâu đời.

 

 

Với những địa danh nổi tiếng như chùa Hang, chùa Phù Liễn hay chùa Hương Sơn, Thái Nguyên đem đến cho du khách không chỉ là một chuyến đi tìm hiểu văn hóa, tâm linh mà còn là hành trình tìm về bản nguyên của con người.

 

1. Chùa Hang nằm ở trung tâm phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên, ngay cạnh quốc lộ 1B, hướng đi đến nhiều danh thắng, di tích nổi tiếng như động Linh Sơn, hang Phượng Hoàng và suối Mỏ Gà, chùa Hang có tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là nơi tu hành của nhiều bậc chân tu, là trung tâm phật giáo lớn và làmột trong những di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Thái Nguyên.Chùa Hang là một ngôi chùa nghìn năm tuổi nằm trong lòng ba ngọn núi lớn, tọa lạc trên vùng đất bằng phẳng, phía trước có dòng sông Cầu hiền hòa, thơ mộng.Ngọn núi đứng giữa có tên “Huyền Vũ” cao to vững trãi, hai bên tả hữu là hai ngọn “Thanh Long” và“Bạch Hổ” vươn cao đầy uy nghi. Ba ngọn núi đứng kề nối nhau bởi dải yên ngựa chạy dài chừngnghìn mét, có diện tích chân núi khoảng 2,7 héc ta. Khi nhìn từ phía Tây, ba ngọn núi xếp hình như một chiếc ngai vàng uy nghi, bề thế, trầm mặc nhìn xuống dòng sông Cầu huyền thoạichảy xuôi về Nam rồi uốn lượn sang phía Đông Nam qua cầu Gia Bẩy tới bến Tượng (Tương truyền là bến tắm voi của tướng Dương Tự Minh, vị tướng tài giỏi thời nhà Lý, thủ lĩnh phủ Phú Lương xưa kia)

2. Chùa Phù Liễn tên chữ là Phù Liễn tự hay Phù Chân Thiền tự (có nghĩa là Che chở, bảo vệ những điều chân chính). Có diện tích gần 7000 m2, Chùa được xây dựng từ lâu đời trên một quả đồi thấp gần bờ sông Cầu ở khu vực đông bắc xã Phù Liễn, tổng Túc Duyên, huyện Đồng Hỷ khi xưa. Năm 1896, thực dân Pháp xây tòa (dinh) công sứ tại đồi này nên chùa di chuyển về vị trí ngày nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Chùa Phù Liễn nằm giữa quả đồi thấp, rộng, nhìn về phía đông nam, xung quanh có nhiều cây cổ thụ. Trong khuôn viên chùa có 2 tòa bảo tháp là nơi đặt tro cốt các vị sư cả trụ trì ở chùa; có trụ sở Hội đồng trị sự Hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, chùa Phù Liễn đã bị phá hủy gần hết, chỉ còn lại ngôi Pháp sư tổ và một phần nhỏ của nhà thờ Thánh Mẫu. Chùa Phù Liễn là nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chùa là nơi che chở, nuôi giấu một số nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn.

3. Chùa Hương Sơn, khối 1 tọa lạc trên địa bàn tổ 16, phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên, Chùa Hương Sơn được biết đến là một ngôi chùa cổ, có từ cách đây khoảng 500 năm trước. Chùa Hương Sơn khi mới xây dựng chỉ là ngôi chùa nhỏ. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, cùng với sự phong hóa của thiên nhiên, ngôi chùa đã bị xuống cấp trầm trọng. Đến năm 1998, được sự đồng ý của UBND tỉnh, chùa đã được trùng tu, tôn tạo lại trên nền móng cũ. Năm 2008, thể theo nguyện vọng của các tăng ni, phật tử và nhân dân địa phương và được sự đồng ý của các cấp, ngành chức năng, ngôi chùa đã được tôn tạo và xây mới trên tổng diện tích lên đến 5000 m2. Chùa được thiết kế theo kiến trúc cổ - kim kết hợp, bao gồm nhiều hạng mục như: Ngôi Đại hùng bảo điện (Khu tam bảo) được xây 2 tầng, mỗi tầng rộng 500 m2, nằm ở chính giữa chùa; bên tay phải là nhà thờ mẫu; phía sau khu Tam bảo là nhà thờ tổ; khu khuôn viên và cổng tam đại cũng được xây dựng quy mô gọn gàng, sạch đẹp.

4. Đình - đền - chùa Cầu Muối nằm ở trung tâm làng Cầu Muối thuộc xã Tân Thành, Phú Bình. Đây là cụm di tích gồm đình Cầu Muối, chùa Cầu Muối và đền Cầu Muối, hay còn được gọi là đình Muối, chùa Muối và đền Muối. Đây là nơi thờ cúng thiêng liêng, là địa điểm thăm quan nổi tiếng của huyện Phú Bình. Cụm di tích này cách thủ đô Hà Nội chừng 70km về phía Đông Bắc; cách thành phố Thái Nguyên khoảng 40km về phía Đông Nam và cách trung tâm huyện Phú Bình 11km về phía Đông. Theo sử sách ghi lại, làng Cầu Muối có từ thế kỷ 18, thời hậu Lê, đời vua Lê Dụ Tông (1705-1729). Trong nội dung văn bia khắc trên cây hương đá tứ diện“Linh Sơn Tự” tại chùa Cầu Muốicho biết: vào năm 1719, tức năm Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thịnh, đình - đền - chùa Cầu Muối được xây dựng ở trung tâm làng Cầu Muối, xã Tân Thành, huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên, gồm 1 đình, 2 đền và 1 chùa. Cụm di tích nằm ở thế tọa sơn, trên ba quả đồi rộng khoảng hơn 3ha, với cảnh mây núi bao phủ, gió mát quanh năm tạo nên môi trường tĩnh mịch, thanh bạch, cổ kính và uy nghiêm.

5. Đền Đuổm nằm ngay sát quốc lộ 3 đường đi Thái Nguyên - Bắc Kạn, cách thành phố Thái Nguyên hơn 20km về phía Tây Bắc, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Tọa lạc dưới chân núi Đuổm (còn có tên gọi khác là Điểm Sơn, Thạch Long), một hệ núi đá vôi hùng vĩ, với sáu ngọn núi đá màu xám cao ngất trông tựa sáu đầu rồng trong tư thế bay bổng, kiêu hãnh và đầy uy linh, đền Đuổm từ lâu đã có tiếng là địa linh, là nơi thờ vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh hay còn gọi là đức thánh Đuổm, vị thủ lĩnh tài ba của phủ Phú Lương dưới các thời vua Lý. Đền Đuổm được xây dựng từ năm 1180, thế kỷ 12, vào thời vua Lý Cao Tông, đến nay đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc truyền thống.

6. Đền Xương Rồng hay còn gọi là Xương Long Tự tọa lạc tại tổ 17 phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên. Đền Xương Rồng là nơi thờ chính của Cô bé Xương Rồng; vì vậy ngôi đền còn có tên gọi khác là Đền Cô Bé Xương Rồng. Ngoài Cô Bé Xương Rồng, đền còn phối thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

7. Chùa Hoàng Đàm hay còn có tên gọi khác là chùa Linh Sơn, tọa lạc tại xóm Hộ Sơn, thôn Hoàng Đàm, xã Nam Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, đến nay đã gần 1.000 năm tuổi, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, ngôi chùa bị tàn phá và xuống cấp nghiêm trọng, vắng bóng người tu tập. Chùa Hoàng Đàm là nơi lưu giữ 6 sắc phong của các triều đình phong kiến xưa. Từ khi xây dựng đến nay, chùa Hoàng Đàm đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Dưới thời nhà Nguyễn, chùa được mở rộng, khang trang hơn gồm có nhà tiền đường với 7 gian, nhà Tổ 5 gian. Năm 1982, chùa được nhân dân tôn tạo lại sau khi bị tàn phá trong chiến tranh. Năm 2003, trùng tu lần thứ ba. Năm 2006, trùng tu gác chuông. Đến năm 2013, chùa đã có sư về trông coi, cùng quý phật tử hộ trì tam bảo, chỉnh đốn giáo pháp, trở thành chốn linh thiêng, thanh tịnh cho người tu hành và cho du khách về thắp hương bái Phật.

8. Đền Trình cách đền Đuổm 10km về phía nam, thuộc địa phận phố Giang Tiên, thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương. Nằm ẩn mình bên dòng sông Tiên thơ mộng, Đền Trình hiện lên với cảnh sắc sơn thủy hữu tình, vừa cổ kính, vừa linh thiêng. Không một ai nhớ được ngôi đền được xây dựng từ năm nào, nhưng theo người dân kể lại, ngôi đền được hình thành trong khoảng thế kỷ thứ XII, gắn với Sự tích Tiên giáng trần.

9. Đình – Đền – Chùa Vân Dương là tổ hợp Đình – Đền – Chùa cổ, tọa lạc ở xóm Ngoài, làng Vân Dương, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 20km, cách thị xã Phổ Yên 10 km và cách Thủ đô Hà Nội chừng 55km. Trong tổ hợp, ngôi đình thờ Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh, ngôi đền thờ hai vị thánh Cao Sơn, Quý Minh, còn ngôi chùa thờ Phật. Cụm di tích nằm ở trung tâm làng Vân Dương. Tương truyền, Đình Vân Dương xưa kia to nhất vùng, nhưng trong thời kì kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) phải thực hiện “tiêu thổ kháng chiến” nên đình bị tháo dỡ. Hiện nay, ngôi đình được thu nhỏ giống như ngôi đền cổ kính, kiến trúc có một gian hai dĩ, bốn mái đao cong và hậu cung. Hiếm có di tích nào còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như đình Vân Dương, gồm có: bộ lộ bố (đồ khí trượng thờ), kiệu cổ dùng để rước trong hội làng ngày 25 tháng 10 (Âm lịch), án gian cổ được chạm khắc cầu kỳ tứ linh, tứ quý, đồ thờ, hoành phi, câu đối, đặc biệt 6 đạo sắc phong do các vua triều nhà Nguyễn phong cho làng thờ vị thần Cao Sơn Quý Minh (Dương Tự Minh).

10. Đền Đình Cả là một ngôi đình lâu đời tọa lạc tại thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Theo dòng lịch sử, đền Đình Cả được xây dựng vào năm 1920. Đền Đình Cả thờ Đức quốc tổ Hùng Vương, Đức Thánh Trần, thần Cao Sơn Quý Minh và Tứ phủ. Thời chống Pháp (1947-1949), khuôn viên đền là nơi đóng quân của một bộ phận thuộc Nhà máy Quân giới A3. Trải qua thời kì chiến tranh lâu dài, do phải thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, người dân địa phương phải di tản đi nhiều nơi. Dẫn đến đền Đình Cả không được quan tâm tu sửa, không có người trông coi, nên đã bị xuống cấp trầm trọng, một số tài liệu hiện vật bị thất lạc. Sau này khuôn viên đền được sử dụng làm trụ sở Hợp tác xã Mua bán Huyện Võ Nhai rồi trụ sở UBND thị trấn Đình Cả giai đoạn 1991-1993. Đến năm 1995, được sự nhất trí của cấp ủy, chính quyền thị trấn Đình Cả, nhân dân địa phương đã phát tâm công đức phục hồi, tôn tạo đền làm nơi thờ Thần, Phật, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương và du khách thập phương. 

Với những điểm đến tâm linh và văn hóa này, Thái Nguyên là một điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của đất nước Việt Nam. Chính vì thế, du lịch tâm linh Thái Nguyên đang là xu hướng được nhiều du khách quan tâm và lựa chọn khi muốn khám phá vẻ đẹp và giá trị của văn hóa tâm linh Việt Nam.

 

5 Comments
Gửi bình luận

Nhắn tin

Không thể tải danh sách tin nhắn

Không có tin nhắn nào!

Không thể tải danh sách tin nhắn