Di tích Soi Quýt có địa danh tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Trong thời kỳ 1939 - 1945, Soi Quýt là một trong những địa điểm quan trọng của Đảng trong quá trình vận động cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tại khu vực Phổ Yên, Thái Nguyên. Trên bia đá tại di tích Soi Quýt có ghi dấu sự kiện ngày 21/11/1942, đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư Trung ương Đảng lúc bấy giờ đang mở lớp huấn luyện tại thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang thì bị giặc Pháp vây bắt. Đồng chí đã được bố con ông lão đánh cá đưa qua sông vào bãi Soi Quýt, xã Tiên Phong an toàn.
Nhà bia di tích lịch sử Soi Quýt
Di tích lịch sử Soi Quýt là một trong 4 điểm di tích: Soi Quýt, nhà Ông Ngô Hải Long, nhà bà Hoàng Thị Tỳ và Lưu Thị Phận được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia từ năm 1990.
Để bảo vệ, gìn giữ những dấu ấn lịch sử quan trọng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với UBND xã Tiên Phong tôn tạo Di tích lịch sử Soi Quýt. Di tích sau khi tôn tạo gồm hai phần: nhà bia, khuôn viên và đường đi vào di tích. Các hạng mục công trình được các cơ quan đánh giá, đảm bảo kỹ thuật, thẩm mỹ, sau đó bàn giao cho UBND huyện Phổ Yên đưa vào sử dụng và phát huy giá trị di tích lịch sử.