en vi
Hồ Núi Cốc

Hồ Núi Cốc

huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

() Đánh giá

Thời gian mở

Hàng ngày

Nhận thông báo
Đánh dấu đã đến địa điểm này

Khu du lịch Hồ Núi Cốc hay khu du lịch Huyền thoại Hồ Núi Cốc là khu du lịch sinh thái quốc gia nổi tiếng và lớn nhất tại tỉnh Thái Nguyên, nằm trên địa bàn xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 15km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 96km. Hồ Núi Cốc là một hồ nước ngọt nhân tạo với chiều dài 18km, diện tích mặt nước trung bình 25km2, dung tích khoảng 226,48 triệu m3 nước và diện tích tới 2.500 héc ta. Hồ Núi Cốc không chỉ cung cấp nước phục vụ canh tác nông nghiệp và đời sống dân sinh cho toàn thành phố Thái Nguyên, mà còn có tác dụng cắt lũ cho vùng hạ lưu Sông Hồng. Trước đây, nơi này là một đoạn của sông Công, một trong các chi lưu của sông Cầu chảy vòng quanh một ngọn núi có tên là Núi Cốc. 

Với khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, quang cảnh thơ mộng, xa xa là những rừng cây, đồi chè quyện với núi đồi trùng điệp, hòa với mây trắng bồng bềnh, không khí trong lành và mát mẻ, cùng với 89 hòn đảo lớn nhỏ xinh đẹp, đầy bí ẩn, mê hoặc và hấp dẫn đã tạo lên bức tranh thuỷ mạc hữu tình làm cho Hồ Núi Cốc trở thành một vùng danh lam thắng cảnh, khu nghỉ mát và nghỉ dưỡng tuyệt đẹp nằm giữa núi rừng hoang sơ, non nước kỳ vĩ và được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên đất liền” của tỉnh Thái Nguyên. 

 “Bồng bềnh bồng bềnh, chòng chành chòng chành

Một vùng núi cao nước sâu thuyền trôi, thuyền trôi

Mái chèo bâng khuâng dưới chân Tam Ðảo

Núi cao, suối sâu

Nắng lên xanh màu xanh huyền thoại

Nghe câu chuyện xưa của đôi trai gái…”

Núi Cốc không chỉ là tên vùng đất, vùng hồ mà còn gắn liền với một huyền thoại thấm đẫm nước mắt đã đi vào thơ ca, nói về chuyện tình thuỷ chung giữa nàng Công và chàng Cốc. Truyền thuyết kể rằng, thuở ấy, dưới chân Tam Đảo có chàng trai nghèo sống bằng nghề đốn củi, chàng tên là Cốc. Vì quá nghèo nên chàng chẳng có ai kết bạn, chỉ có cây sáo tự làm là người bạn tâm tình. Năm đó, trời làm đại hạn mất mùa, chẳng còn người đổi gạo lấy củi, chàng Cốc đến nhà quan lang ở vùng núi Ba Lá làm thuê. Quan lang này có một cô con gái xinh đẹp và hát hay, múa giỏi nức tiếng khắp vùng, đó là nàng Công. Nhiều người đến ướm hỏi nhưng nàng Công không ưng một ai. Duyên trời định, khi nghe thấy tiếng sáo véo von ray rứt, vi vút trải lòng theo gió mây của chàng Cốc đã khiến trái tim người con gái rung động. Biết chuyện, quan lang vô cùng tức giận và lập mưu muốn hại chàng. Quan lang bắt chàng Cốc làm rất việc khó khăn, nguy hiểm như lấy ngà voi, sừng tê giác, gạc nai,… Nhưng với sự giúp đỡ của tiên ông và các loại thú trong rừng, chàng Cốc đã hoàn thành tất cả yêu cầu. Song điều đó không làm quan lang hài lòng, ông bắt nhốt nàng Công trong nhà và cho quân truy đuổi chàng Cốc. Chàng trở về chòi canh trâu và nhờ tiếng sáo gửi lời nhớ thương tới người yêu. Một ngày kia, nàng Công và chàng Cốc cùng ngồi trên lưng ngựa hồng phi vào rừng để trốn. Nhưng nàng bị bắt lại, chỉ kịp nhắn với chàng Công hãy về quê, chờ ngày gặp lại nhau. Hai người đau đớn chia tay. Nàng Công bị nhốt vào buồng kín, chàng Cốc chạy về chân núi Tam Đảo. Từ đó hai người chẳng có cách nào gặp được nhau. Tiếng sáo chàng Cốc không vọng tới nàng Công, nước mắt nàng Công chỉ mình nàng biết. Đã qua bao ngày mà không thấy nàng Công tới, chàng buồn bã, nhớ thương tuyệt vọng, chàng Cốc heo hon mà thác. Trời đất cảm thương hoá chàng thành một quả núi sừng sững giữa trời hướng về nhà Quang lang như đang chờ mong nàng Công. Bốn mùa, tiếng gió man mác, réo rắt qua lá cây rừng trên núi như tiếng sáo ngân nga của chàng Cốc năm nào. Còn nàng Công nhớ thương chàng Cốc mà bỏ ăn, bỏ uống, cứ thế mà khóc ròng. Cho đến một ngày kia nàng hoá thành nước và tìm chảy đến với quả núi mà chàng Cốc hoá thành. Từ đó, tương truyền ngọn Núi Cốc ngày nay là hiện thân của chàng Cốc, còn dòng sông Công trong xanh, êm dịu là hoá thân của nàng Công, ngày đêm chảy quanh Núi Cốc một lời nhắn nhủ với thế hệ mai sau sự thuỷ chung, son sắc của hai người.

Băng qua những đồi chè xanh mướt, ngát hương đồng nội, trải dài dọc hai bên những con đường nhựa từ Thịnh Đán, qua Tân Cương đến Phúc Trìu, khu du lịch hồ Núi Cốc hiện ra trước mắt du khách với không gian thoáng mát, một vùng trời nước mênh mông, thơ mộng như chiếc như chiếc gương khổng lồ soi chiếu lung linh mọi cảnh vật xung quanh. Xa xa, dãy Tam Đảo như bức tường thành xanh thẫm, bồng bềnh mây trắng, cùng với những hòn đảo phủ rợp bóng xanh chạy dài sát mép hồ làm cho Hồ Núi Cốc càng đẹp và quyến rũ hơn, núi ôm ấp hồ, hồ lồng bóng núi.

Qua cổng chính, du khách sẽ bước vào thế giới huyền ảo của khu du lịch Hồ Núi Cốc, nơi đây là quần thể du lịch sinh thái rộng lớn, với diện tích lên tới 19,000 héc ta, có nhiều loại hình du lịch, dịch vụ phong phú và đa dạng như nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, tâm linh, ẩm thực, vui chơi giải trí phù hợp với nhiều lứa tuổi. Bởi vậy, tuỳ theo sở thích của mình du khách có thể thoả thích lựa chọn địa điểm khởi hành trong hành trình thăm quan khu du lịch Hồ Núi Cốc. Với những khách thế hệ trẻ thì khu trò chơi trong nhà và ngoài trời thường là địa điểm thăm quan đầu tiên sôi động và hấp dẫn. Với sự đa dạng và cuốn hút của những trò chơi như tàu lượn siêu tốc, đu quay, săn thú, lái xe điện đụng, đĩa bay, máy bay, đua xe, thú nhún, xem phim 7D và rất nhiều trò chơi điện tử sinh động khác sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm vui vẻ và sôi nổi bên bè bạn và người thân.

Với khuôn viên rộng tới hơn 10.000m2, khu vườn động vật hoang dã luôn là một lựa chọn không thể bỏ qua của du khách, nhất là với các bạn nhỏ. Khi tới đây, du khách sẽ được ngắm nhìn rất nhiều loại động vật như khỉ, vượn, hươu, nai, công và nhiều loài chim quý. Đặc biệt, du khách có dịp trải nghiệm  trò câu Cá Sấu cực kỳ mạo hiểm nhưng không kém phần thú vị. 

Đến với khu du lịch Hồ Núi Cốc, du khách không chỉ được tham gia các hoạt động vui chơi, mà còn được hoà mình vào không gian văn hoá đặc sắc, đậm tính nhân văn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc khi du khách thăm quan quần thể hang động nơi đây. Tại động Huyền thoại cung, du khách được đắm mình vào câu truyện huyền thoại đầy tình bi thương giữa nàng Công và chàng Cốc, một mối tình thuỷ chung còn mãi lưu truyền mai sau.

“Đến thăm núi Cốc, sông Công

Nghe câu chuyện cũ nỗi lòng xót thương

Trải qua trăm gió ngàn sương

Mối tình son sắt thủy chung mãi còn”.

Động Thế giới cổ tích và âm phủ sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm mới thông qua những câu truyện về đấng siêu nhiên, câu chuyện truyền thuyết đậm tính nhân văn mang tính giáo dục hướng thiện và lòng nhân ái của con người. Tiếp đến, du khách sẽ đến với động Huyền thoại ba cây thông, nơi đây tái hiện lại câu chuyện tình giữa hai người con trai song sinh và một người con gái. Theo người xưa truyền lại, ở một làng kia, có hai anh em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước. Cả hai chàng trai cùng tài giỏi và rất hiếu thuận với cha mẹ. Một ngày nọ, người anh xuống núi và tình cờ gặp cô gái xinh đẹp nhất vùng. Ngay từ lần gặp nhau đầu tiên, tình yêu của đôi nam nữ đã nảy nở. Ngày hôm sau, khi cô gái đang mong chờ chàng trai hôm qua tới thì cũng là lúc người em của chàng xuống núi và cũng tình cờ gặp cô gái xinh đẹp này. Giống như người anh của mình, người em cũng say đắm trước dung nhan của cô gái xinh đẹp. Tưởng rằng gặp đúng người con trai hôm trước, nên tình yêu của người con gái càng thắm thiết. Nhưng nàng có ngờ đâu, người con trai đứng trước mặt mình là một người khác. Chuyện tình tay ba cứ thế tiếp diễn mà chẳng ai hay biết có sự nhầm lẫn. Cho đến khi cô gái nhận lời hẹn của hai chàng trai để tính chuyện trăm năm. Đúng ngày hẹn ước, dưới ánh trăng vàng thơ mộng, hai anh em song sinh và cô gái cùng xuất hiện cùng một nơi và cả ba đều hết sức ngỡ ngàng. Khi hiểu ra sự tình, hai anh em song sinh và cô gái chỉ biết nhìn nhau không nói lên lời...  Biết  mối tình éo le của ba người, Ngọc Hoàng đã ban phép cho họ được ở mãi bên nhau bằng hiện thân là ba cây thông, hai cây hình nam, một cây hình nữ để lưu truyền câu chuyện tình cảm động và bi ai cho đến mãi mai sau. Với không khí mát mẻ, cùng hệ thống ánh sáng, âm thanh sống động, nội dung được sắp xếp hết sức khoa học và logic, cùng hệ thống hang động ly kỳ sẽ làm cho du khách như lạc vào chốn huyền thoại, hoà mình với nhân vật, thương cảm và động lòng trắc ẩn mỗi khi thăm quan nơi này.

Kết thúc hành trình thăm quan quần thể hang động, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi dừng chân ở công viên nước thoáng và rộng hơn 3,4 héc ta. Với 8 đường trượt, khu massage cá, cùng hệ thống bể bơi đa dạng cho mọi lứa tuổi và hệ thống tiểu cảnh sinh động sẽ mang lại cho du khách những giây phút sảng khoái khi hoà mình vào dòng nước xanh mát lấy từ hồ Núi Cốc. 

Không chỉ có không gian vui chơi, thăm quan, khu du lịch Hồ Núi Cốc còn là nơi lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng ở bất kỳ thời điểm nào trong năm. Với không khí trong lành và nhiều cây xanh, gần gũi với thiên nhiên, núi rừng hoang sơ, rộng rãi, thoáng mát và rợp bóng cây xanh, khu du lịch Hồ Núi Cốc là địa điểm yêu thích của nhiều đoàn khách khi tổ chức sự kiện, hội nghị, hoạt động trải nghiệm và tổ chức được nhiều trò chơi sôi động ở nơi đây.

Du ngoạn quanh Hồ Núi Cốc đến thăm những đảo còn hoang sơ và xinh đẹp là một trong những trải nghiệm vô cùng thú vị mà ít nơi có được. Du khách có thể đi du thuyền, cano hay xuồng cao tốc để ra thăm quần thể với 89 hòn đảo lớn nhỏ như đảo Cò, đảo Khỉ, đảo Bạch Đàn, đảo Mâm Xôi, đảo Long Hội,… Đặc biệt tại đảo Núi Cái, khi bước qua khoảng 108 bậc thang, du khách dừng chân ở Nhà Cổ - di tích có tuổi đời hơn 200 năm. Nhà Cổ được làm bằng gỗ lim, là một kiệt tác về kiến trúc. Đây từng là nơi hội tụ của hơn 1000 hiện vật là các sản phẩm của hơn 90 làng nghề truyền thống trên khắp đất nước. Lướt nhẹ trên lòng hồ thơ mộng, ngắm nhìn những rừng cây in bóng xuống mặt hồ tĩnh lặng, xa xa là những dãy núi trùng điệp, mây trắng lượn lờ bay, cùng thưởng thức không khí dịu mát, tiếng gió vi vu như tiếng sáo du dương của chàng Cốc vẫn còn đâu đây, sẽ làm cho du khách như được lạc vào bức tranh thuỷ mạc với cảnh sắc sơn thuỷ hữu tình.

Sau hành trình thăm đảo, du khách đến không gian văn hoá món ẩm thực vô cùng phong phú và đặc sắc, với vô vàn món đặc sản hấp dẫn của núi rừng Tây Bắc. Tại đây, du khách có thể lựa chọn những nhà hàng khác nhau với nhiều món ăn ngon phù hợp sở thích như món những rau rừng, gà đồi, lợn cắp nách, cá chép hồ,…

Nằm cạnh công viên nước, sân khấu nhạc nước có diện tích lên tới 1 hecta, có những thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại. Với sự kết hợp giữa nước, âm thanh, ánh sáng để thể hiện các tác phẩm âm nhạc theo từng giai điệu khách nhau và những cột nước phun cao trên 40m thực sự là điểm nhấn ấn tượng, tạo cho du khách cảm giác hùng tráng, nguy nga. Sân khấu nhạc nước là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật của khu du lịch. Đặc biệt, sân khấu nhạc nước với 3000 chỗ ngồi luôn biểu diễn vào tất cả các ngày trong tuần.

Dừng chân tại quần thể “Thuyết nhân quả”, du khách không khỏi troáng ngợp, ngỡ ngàng và ấn tượng khi tới nơi đây, bởi bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni màu vàng cao tới 45m, tọa lạc trên đỉnh núi, hướng mặt ra hồ Núi Cốc, với thần thái từ bi, hùng vĩ và nổi bật từ xa như để phổ độ cho chúng sinh muôn nơi. Điểm đặc biệt và độc đáo nữa của bức tượng này đó là có Chùa thiêng Thác Vàng nằm trong, với ý niệm trong chùa có phật, trong phật có chùa. Với diện tích gần 5000m2, đây là ngôi Chùa nằm trong lòng phật lớn nhất miền Bắc, đã được trung tâm sách kỷ lục Guinness công nhận.

Khi tới đây, du khách không chỉ sửng sốt trước kiến trúc vô cùng độc đáo, cảnh quan đầy uy nghiêm và thanh tịnh của Chùa thiêng Thác Vàng, mà còn được đắm mình vào khung cảnh huyền ảo và cùng lắng nghe về truyền thuyết của ngôi chùa. Chuyện kể rằng ngày xưa đã lâu lắm rồi, nơi đây là một rừng núi non trùng điệp, ngút ngàn cây lá, hoang dã chim muông. Có một đôi vợ chồng nghèo rất yêu thương nhau. Ngày ngày, người vợ chăn tằm dệt vải, nuôi con. Người chồng phát nương đốn củi, đuổi thú dữ và sống chan hòa chia sẻ với dân làng. Họ thường bớt những phần thóc gạo của mình chia cho người ốm người nghèo hơn. Vài năm một lần, có những cơn lũ quét, những đợt bão tràn về cướp đi sinh mạng và của cải của dân trong làng. Cuộc sống vẫn cứ mãi lầm than tăm tối. Nhưng bằng ý chí quyết tâm, bàn tay tần tảo, đôi vợ chồng nọ vẫn mong đến một ngày nào đó cuộc sống sẽ đổi thay. Phải làm gì đây cho con trẻ được ấm no, người già được hân hoan, xóm làng được thay da đổi thịt. Ước mơ của họ đã thấu tận trời phật.

Một đêm trời trở gió, núi rừng rung chuyển, Tiên ông đã hiện về trong giấc mơ của người chồng và nói “Vợ chồng con là người tốt, chăm chỉ siêng năng, lại biết lo toan cho mọi người. Ta sẽ giúp con: Các con hãy trèo lên đỉnh núi cao gần giáp với trời kia, hãy cuốc thật sau con sẽ được như ý nguyện” sau đó tiên ông biến mất.

Mờ sáng hôm sau, đôi vợ chồng, cơm nắm muối vừng leo lên quả núi đó và làm theo lời tiên ông dặn. Hết một ngày đường, tận chiều xế bóng đã leo lên đỉnh núi. Và họ cuốc, cuốc mãi đến lúc từng tảng đá bật lên, bỗng một tia nước tóe ra. Càng khơi nguồi nước, một dòng thác toàn là vàng ròng. Càng chảy ào ào xối xả dội xuống tận chân núi, hai vợ chồng sửng sốt ngỡ ngàng, trước mặt họ hiện lên một dòng thác toàn vàng ròng. Vui sướng tột cùng họ về gọi dân làng. Cả làng nô nức kéo nhau chạy đến cùng lấy vàng. Nhưng kì lạ chỉ những người hiền lành tốt bụng mới nhìn thấy dòng thác bằng vàng, những kẻ tham lam độc ác chỉ thấy đất đá đổ xuống. Từ đó cuộc sống dân làng được đổi thay ấm no, đôi vợ chồng ngày càng giầu có và hạnh phúc. Đời này qua đời khác, câu chuyện đã thành huyền thoại. Ngọn núi mang tên Thác Vàng từ đó và người ta đã lập lên ngôi chùa để tưởng nhớ công ơn của trời phật. Thời gian trôi qua, cuộc sống hiện đại với nhiều công trình mọc lên, nhưng riêng nơi này khi san núi Thác Vàng để làm các dự án công trình thì đều không thực hiện được, chỉ đến khi xây dựng công trình quần thể “Thuyết nhân quả” mang tính tâm linh thì mọi việc đều xuôi chèo mát mái và thành công như ngày nay. Từ đó, ngôi chùa nằm trong lòng phật đặt trên đỉnh Thác Vàng năm xưa được mang tên là Chùa thiêng Thác Vàng.

Phía trước cổng chùa có đặt lưu hương đá, ngay phía sau là tượng các vị thần tài. Bên trái có lầu thờ Quan âm Bồ Tát, bên phải có lầu thờ Mẫu Thượng Thiên, mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn. Phía kế bên là khuôn viên với các bức tượng khổng lồ, khắc hoạ rõ nét phong thái của những vị Thần, Đại Sát, Diêm La,..

Bước qua cổng chùa, du khách tới quần thể “Thuyết nhân quả”, với 36 hạng mục để tái hiện những câu truyện, truyền thuyết về thuyết nhân quả, mang đậm tính nhân văn, tu nhân, tích đức, hướng thiện của Phật giáo. Những lời phật dạy được thể hiện qua bức phù điêu sinh động như: “Người con cháu đầy đàn, sống thọ vì do nhân đời trước thường hay phóng sinh”; “Ai thông minh sáng lạng vì do đời trước thường hay niệm Phật”; “Ai khỏe mạnh vì do nhân đời trước hiến thuốc cứu người”;  “Ai ấm no đầy đủ do đời trước hay bố thì kẻ nghèo khó,..”. Với không khí mát mẻ, hang động lung linh, kỳ bí và huyền diệu, cùng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng vô cùng độc đáo ở nơi đây sẽ đem lại cho du khách những cảm nhận khác lạ, như bước vào thế giới huyền bí tâm linh, bồng lai tiên cảnh, lắng đọng tâm hồn, buông bỏ tạp niệm và thanh thản để đến với Chùa thiêng Thác Vàng. Dừng chân trước cửa chùa, du khách sẽ không khỏi sửng sốt và trầm trồ thánh phục trước sự bề thế và không khí linh thiêng chùa thiêng Thác Vàng. Trước cửa chùa có tấm bảng giới thiệu tích xưa, câu chuyện kể về một ngọn núi thiêng Thác Vàng và ngôi chùa thờ Phật. Với hai không gian thờ là thờ Thánh và thờ Phật riêng nhưng có tính kết nối liên thông. Từ ngoài nhìn vào, du khách sẽ đến Ban thờ Cậu (hay còn gọi là Ban Cậu) ở bên phải, Ban Cô ở bên trái. Tiếp đến, ở giữa là ban thờ Công đồng Tứ phủ, tiếp đến là ban thờ Tam Toà Thánh Mẫu. Phía bên phải nhìn từ ngoài vào là ban thờ Bà Chúa kho, ban thờ vua Lê, vua Hùng và Bác Hồ. Phía bên trái có các ban thờ Tứ bất tử, ban thờ các ông Hoàng Bơ, ông hoàng Bẩy và ông Hoàng Mười, ban thờ Bà Chúa Sơn Trang. Đi qua không gian thờ Thánh, du khách đến không gian thờ Phật. Ở chính giữa điện thờ là bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi ở tư thế kiết già, đôi mắt hé mở nhìn xuống như sẵn sàng cứu khổ, ban vui, miệng cười như hoan hỷ khi thấy chúng sinh tỉnh ngộ. Bên dưới là tượng Thích Ca sơ sinh một tay chỉ trời, một tay chỉ đất ngụ ý rằng sự thức tỉnh là cao quý nhất, tức là “Thượng thiên địa hạ duy ngã độc tôn”. Bên trái là tượng và ban thờ Đức Thánh Hiền, bên phải là tượng và ban thờ Đức Ông. Tiếp đến là tượng và ban thờ của Bát bộ Kim Cương, là những vị thần bảo vệ chùa. Ở ngoài cùng, hai bên lối vào không gian thờ phật là ban thờ và tượng hai vị Hộ Pháp khuyến thiện, trừ ác như một lời nhắn nhủ thức tỉnh nhân tâm. Các các bức tượng Phật, Thánh, Hộ Pháp nơi đây đều rất cao lớn, trạm khắc tinh sảo, hiền từ và đầy uy linh. Với những tiếng kinh phật, khói hương nhè nhẹ, bay bổng, thanh tịnh và linh thiêng ở nơi này như ẩn chứa và lan truyền những giá trị đạo lý nhân sinh sâu sắc của pháp Phật sẽ kiến cho du khách mỗi khi tới nơi đây như được tu sử thân tâm, thanh thản để hướng đến cuộc sống ngày mai càng tốt đẹp hơn.

Du khách tới Chùa thiêng Thác Vàng có thể chuẩn bị lễ chay gồm hoa quả, trầu, hương, nến, xôi, bánh kẹo để dâng lễ ban thờ Phật và các ban thờ Thánh. Riêng lễ mặn chỉ dâng ở các ban thờ Thánh. Lễ mặn gồm hoa quả, trầu cau rượu trắng, bia, gà, xôi, bánh kẹo. Du khách cũng có thể thành tâm đặt tiền dương ở các ban thờ để cúng dường hoặc ghi danh và đặt tiền dương vào hòm công đức. Tại mỗi ban thờ đều có ghi tên, nên tuỳ theo từng ban thờ, du khách dùng bài khấn riêng của mình hoặc có thể tham khảo bài khấn ở ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên.

Chùa thiêng Thác Vàng là ngôi chùa huyền bí, linh thiêng, công trình độc đáo này còn được mang tên Thuyết nhân quả như một thông điệp đậm chất nhân sinh để nhắn nhủ cho muôn đời sau.

Nổi bật giữa khung cảnh núi non sơn thuỷ hữu tình, khu du lịch Huyền thoại Hồ Núi Cốc là một quần thể danh thắng kỳ thú, thơ mộng, không gian vui chơi phong phú và là khu nghỉ dưỡng lý tưởng và thú vị. Không những vậy, khu du lịch này còn là địa chỉ du lịch tâm linh có kiến trúc độc đáo và linh thiêng. Bởi vậy, khu du lịch Huyền thoại Hồ Núi Cốc là một điểm du lịch nổi tiếng phù hợp với mọi lứa tuổi, là điểm sáng và luôn nằm trong hành trình thăm quan của du khách khi tới Thái Nguyên. Với cảnh quan kỳ vĩ, khuôn viên thoáng mát, không khí trong lành, hàng năm, khu du lịch Hồ Núi Cốc đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, hội họp, trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị văn hoá  đậm đà bản sắc dân tộc, cùng những bài học giàu tính nhân văn và có ý nghĩa giáo dục con người, bồi đắp lòng nhân ái, vị tha, hướng và hành thiện để xây dựng cuộc sống, xã hội ngày càng tươi sáng hơn.

Địa chỉ huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
Giờ mở cửa 07:00:00
Giờ đóng cửa 19:00:00
Số điện thoại 0123456789
Thời gian ghé thăm mỗi lượt Giờ
Đánh giá

Độ hài lòng

Bình Luận


  • API

    21/05/2022

    Okela

  • Việt Hùng

    02/06/2022

    Đẹp quá

Để lại bình luận của bạn
Sơ đồ

Chưa có dữ liệu cho địa điểm này

Đặt vé
Điểm du lịch liên quan

Nhắn tin

Không thể tải danh sách tin nhắn

Không có tin nhắn nào!

Không thể tải danh sách tin nhắn