en vi
Thần Sa

Thần Sa

Xã Thần Sa, Huyện Võ Nhai, Tỉnh Thái Nguyên

() Đánh giá

Thời gian mở

Hàng ngày

Nhận thông báo
Đánh dấu đã đến địa điểm này

Dọc theo quốc lộ 1B, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 40km về phía Bắc, du khách sẽ đến với mảnh đất Võ Nhai anh hùng, nơi đây có địa danh nổi tiếng là Thần Sa. Với những dãy núi đá vôi trùng điệp và hùng vĩ, thuộc phần cuối của sơn hệ Bắc Sơn xung quanh là những dải thung lũng quanh co chạy theo bờ sông Thần Sa tạo lên bức tranh thiên hoang sơ, non xanh, nước biếc rất ấn tượng và thơ mộng, khiến du khách không khỏi sững sờ khi tới Thần Sa. Nằm trong những dãy đá vôi này là những hang động huyền bí chứa đựng nhiều bí ẩn, trong đó có khu di tích khảo cổ học thời đại đồ đá cũ hay con gọi là khu di tích khảo cổ học Thần Sa. Ở gần thác Mưa Rơi, thác Bảy Tầng và khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa, thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, khu di tích khảo cổ học Thần Sa là nơi chứa nhiều di chỉ khảo cổ đồ đá về con người sống cách chúng ta chừng từ 1 đến 4 vạn năm, được phát hiện vào những năm 70-80 của thế kỷ 20 bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam.

Trước đó, từ những năm đầu của thế kỷ 20, một số nhà khảo cổ học người Pháp tìm đến khu vực có nhiều núi đá cao, sông suối chằng chịt, thảm thực vật phong phú ở Thần Sa để tìm hiểu, thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đã phát hiện thấy những dấu tích đầu tiên của người tiền sử sinh sống, cư trú trong một số hang động, mái đá ở khu vực này. Có lẽ xuất phát từ những nghiên cứu ban đầu đó, vào năm 1972, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Ðại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên) tiến hành khảo sát và điều tra một số hang trong khu vực Thần Sa, Sảng Mộc, Thượng Nung thuộc huyện Võ Nhai; thực hiện khai quật hai hang có tên là Miệng Hổ (hay còn gọi là hang Phiêng Tung) và Nà Khù. Kết quả khai quật hang Miệng Hổ đã mang đến sự chú ý lớn trong giới khảo cổ thời đó, bởi tính chất mới lạ của các hiện vật so với văn hoá Hoà Bình và văn hoá Bắc Sơn.

Vào những năm từ 1980 đến 1982, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Bắc Thái (nay là Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên) đã khảo sát, điều tra và khai quật di chỉ Mái đá Ngườm ở thôn Kim Sơn, xã Thần Sa. Và gần đây nhất, đợt khai quật năm 2017 được thực hiện bởi Viện Khảo cổ học Việt Nam, bảo tàng Thái Nguyên và Đại học Wollongong, Australia. Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ đã thu được số lượng lớn các hiện vật đá rất phong phú về loại hình, thể hiện tính đa dạng và đặc sắc về kỹ thuật chế tác đá, trong đó có kỹ nghệ Ngườm, có niên đại hậu kỳ đá cũ. Qua những đợt khai quật trên, với kết quả phát hiện khảo cổ học tại Thần Sa đã khẳng định Võ Nhai là một trong những cái nôi của người nguyên thuỷ, tại đây đã tồn tại một nền văn hoá cổ gọi là văn hoá Thần Sa. Kết quả này có ý nghĩa rất lo lớn không những đối với việc nhận thức người tiền sử Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á.

Huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên không chỉ là mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống yêu nước nồng làn, mà còn là vùng đất có tới 23/30 địa điểm di tích thuộc thời đại Đá ở các giai đoạn khác nhau. Các di tích này đều có đặc điểm là nằm trong những hang động, mái đá có diện tích khá nhỏ (lớn nhất khoảng 600m2, nhỏ nhất khoảng 30m2) và thường nằm ở các dẻo cao, sườn núi thấp từ 50 đến 100m, chứng tỏ nơi đây đã chứng kiến quá trình sinh sống và phát triển liên lục của cư dân cổ tại vùng sơn khối Võ Nhai, chủ yếu trên vùng địa bàn gốc của cư dân Ngườm cổ là Thần Sa. Đồng thời, với những di chỉ tiêu biểu được tìm thấy, các nhà khảo cổ cho rằng có thể nơi này là khởi nguồn cuộc sống của cư dân cổ thời đó, rồi sau đó lan toả rộng khắp vùng sơn khối đá vôi ở huyện Phú Lương và Đồng Hỷ của Thái Nguyên.

Xã Thần Sa là nơi có nhiều di tích thuộc các thời kỳ Đá cũ và Đá mới, trong đó có di tích khu di tích khảo cổ học thời đại đồ đá cũ ở Thần Sa gồm các di tích đã được khai quật là Phiêng Tung (hang Miệng Hổ), Ngườm (Mái đá Ngườm), Thắm Choong, Ranh 1, Ranh 2, Hạ Sơn 1, Hạ Sơn 2, Nà Ngùn, Nà Khù, di tích thềm sông Thần Sa và Thẩm Hấu. Tuy nhiên, trải qua nhiều lần khai quật, chỉ có một số địa điểm di tích hội tụ được các tài liệu địa tầng với những bộ sưu tập đặc trưng, tiêu biểu được xác định niên đại như di chỉ hang Phiêng Tung, Mái đá Ngườm, Thắm Choong, Nà Ngùn.

Đi dọc theo sông Thần Sa, băng theo những dòng suối, đồi chè, nương lúa xanh ngát, ngược lên khu di chỉ Mái đá Ngườm khoảng hơn cây số, du khách sẽ tới núi Mèo thuộc xóm Trung Sơn (hay Bản Cái), xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. Nằm trong địa khối đá vôi Bắc Sơn thuộc phía cực nam, núi Mèo vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ với những cây rừng rậm rạp, vách núi dựng đứng, đang ôm trong mình di tích khảo cổ học Phiêng Tung. Phiêng Tung theo tiếng Tày có nghĩa là cao và bằng phẳng, nhân dân trong vùng còn gọi là hang Miệng Hổ, vì từ xa nhìn lên núi Mèo, cửa hang có hình giống như miệng hổ đang há ra. Hang Phiêng Tung nằm ở sường đông nam núi Mèo, trên độ cao khoảng 50m so với chân núi. Hang có hai tầng, tầng trên là một ngách nhỏ, không chứa di vật khảo cổ. Bên trong hang khá rộng và thoáng đãng với độ rộng khoảng 10m, đài 20m, cao 7m. Cửa hang quay về hướng đông nam. Nền hang dốc thoai thoải vào trong, trên có nhiều tảng đá lăn. Gần đó là sông Thần Sa nước chảy quanh năm, đoạn sông ở đây về mùa cạn nổi lên những bãi đá cuội lớn. Hang chính là nơi cư trú thuận lợi và còn bãi đá cuội này là nguồn nguyên liệu vô tận dùng để người tiền sử chế tác công cụ. Di tích hang Miệng Hổ được khai quật vào năm 1972 với diện tích 28m2 và được khai quật tiếp vào các năm 1973 và năm 1980. Qua các đợt nghiên cứu này, các địa tầng ở các hố khai quật nơi này được chia các lớp, đó là lớp mặt, lớp văn hoá và sinh thổ với độ sâu tổng cộng khoảng 90cm. Tại lớp mặt, độ dày khoảng 10-15cm, đất có màu nâu sẫm. Trong lớp này có nhiều mảng đá vôi nhỏ chứa công cụ cuội lớn, cùng với mảnh sành, sứ và vỏ ốc. Tại lớp tiếp theo, đất có màu vàng nhạt, hơi xám, có lẫn ít vỏ ốc ở phía trên, độ dày 30-35cm. Tầng cuối cùng là sinh thổ, đất có màu đỏ sẫm, cùng nhiều tảng đá vôi lớn. Các di vật được phát hiện ở hang Miệng Hổ rất đa dạng gồm có công cụ cuội ghè có 13 chiếc, gồm các loại công cụ chặt thô, công cụ ghè đập, công cụ chặt có rìa lưỡi ngắn, công cụ chặt có rìa lưỡi dài, công cụ chặt không có hình dáng xác định. Những công cụ này được tạo ra từ những hòn cuội khá dày rồi được ghè đẽo theo các rìa cạnh, các vết ghè không đều nhau và chồng lên nhau. Công cụ mảnh tước tu chỉnh có 66 chiếc, chúng có kích thước nhỏ và vừa, đó là những mảnh tước tách ra từ những viên cuội có chủ ý, sau đó được ghè đẽo liên tiếp. Những mảnh tước này được chia thành các loại như loại mảnh tước Nạo, mảnh tước Mũi nhọn. Chúng được chế tác và tu chỉnh ở một rìa, hai rìa hoặc ba rìa cạnh để tạo ra những những rìa lưỡi sắc bén hoặc có răng cưa, hoặc có hình tam giác hay hình chiếc lá. Với 659 hiện vật đá chủ yếu là các mảnh tước nhỏ có vết tu chỉnh dùng làm công cụ mũi nhọn và công cụ nạo cắt được phát hiện ở hang Miệng Hổ cho thấy kỹ thuật chủ đạo để chế tác công cụ của người nguyên thuỷ sinh sống tại hang Miệng Hổ là ghè, đẽo trực tiếp – dùng đá ghè đá nhằm tạo ra những công cụ mảnh tước, những nhát ghè nhè nhẹ, đều đặn chính xác chạy theo rìa cạnh. Nhìn chung, cả từ vật liệu, kích thước, loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ đá ở hang Miệng Hổ cũng giống với di tích Mái đá Ngườm, nhưng ở nơi đây chưa thấy hoá thạch động vật. Với những di vật khai quật được, các nhà khảo cổ cho rằng đồ đá ở hang Miệng Hổ thuộc truyền thống kỹ nghệ Ngườm, hay cư dân thời đó có liên quan đến cư dân ở Mái đá Ngườm. 

Cũng nằm trong xóm Trung Sơn, hang Nà Ngùn cách hang Miệng Hổ khoảng 1km về phía đông bắc. Hang Nà Ngùn được phát hiện và đào khảo sát vào năm 1980. Hang nằm trên sườn đông nam của một dãy núi đá vôi, đường khá dốc, khó leo trèo. Hang cao khoảng 80m so với chân núi, trước cửa hang có bãi đất rộng. Hang Nà Ngùn có hai tầng, tầng trên cao hơn tầng dưới khoảng 8m, thụt vào trông giống như một gác lửng. Tầng dưới có nhiều tảng đá bị sập, có bề mặt không bằng phẳng, diện tích khoảng 80m2. Tầng trên của hang khá bằng phẳng, diện tích khoảng 20m2. Tại đây, vào năm 1982, các nhà khảo cổ đã đào một hố nhỏ để khảo sát với diện tích 1m2 và thu thập được 1 lượng di vật đáng kể. Tại tầng văn hoá, dày khoảng 0,2-0,3m, đất có màu nâu sẫm, chứa nhiều đá dăm to nhỏ, một ít vỏ ốc núi, ốc suối, cùng di vật khảo cổ. Với số tổng số 102 di vật gồm 90 công cụ đá và 12 mảng tước với hình thù đa dạng, cùng với số lượng lớn vỏ ốc núi, ốc suối cho thấy có sự sinh sống của người tiền sử ở nơi đây và thuộc thời kỳ hậu Đá cũ.    

Chia tay với di tích hang Phiêng Tung và hang Nà Ngùn huyền bí, chúng ta đến với hang Thắm Choong được phát hiện từ năm 1980, tại xóm Hạ Sơn Dao, xã Thần Sa. Thắm Choong theo tiếng địa phương có nghĩa là hang Thông vì hang có hai cửa ăn thông nhau ở hai sườn đối diện, theo hướng đông – tây, với khoảng cách dài hơn 150m. Ngoài ra, hang Thắm Choong còn được gọi là hang Dơi. Hang Thắm Choong là hang đá tự nhiên, nằm cao hơn chân núi khoảng 70m, lối lên hang thuận tiện bởi đá tự nhiên như được xếp thành bậc. Cách chân núi chừng 100m là một dòng suối nhỏ, chỉ có nước vào mùa mưa. Cửa chính của hang rất lớn, có hình vòm, cao khoảng 25m, rộng tới 37m, nhìn về hướng đông. Nền hang không bằng phẳng, thấp dần từ cửa vào, chỗ thấp nhất ở phía giữa hang tới gần 6m. Dọc theo hai bên vách hang, có nhiều ngách nhỏ cụt, ăn sâu vào núi. Trần hang cao, nhiều nhũ phủ. Toàn bộ diện tích lòng hang phủ đầy phân dơi và có nhiều đá dăm. Trước đây người dân địa phương thường vào đây lấy phân dơi làm thuốc súng và phân bón. Nền hang không còn nguyên vẹn mà đã bị xáo trộn nhiều do con người ngày nay tác động. Hang Thắm Choong rộng rãi, thông thoáng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, quang cảnh nơi đây rất phù hợp cho người tiền sử cư trú lâu dài. Tháng 3/1981, các nhà nghiên cứu của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Ty Văn hóa Thông tin Bắc Thái (nay là Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên) đã tiến hành khai quật tại Thắm Choong với một hố đào nhỏ có diện tích 1m2. Tại đây, các nhà khảo cổ xác định nơi đây chỉ có một tầng văn hoá, dày 0,7m, đất có màu nâu sẫm, khá xốp, lẫn nhiều vỏ ốc suối, ốc núi và đá dăm. Ở độ sâu hơn thì thu được nhiều di vật đá. Với tổng số 100 hiện vật được khai quật tại hang Thắm Choong, gồm các loại công cụ chặt thô, nạo cắt, cắt khía, mảnh tước, mảng vỡ và đá nguyên liệu hòn ghè cho thấy di vật đá nơi đây khá phong phú, nhiều loại hình khác nhau. Một điểm đáng lưu ý là nơi đây đã tìm thấy một số mảnh xương, răng động vật nhỏ và vỏ ốc núi. Di chỉ Thắm Choong được các nhà khảo cổ xác định có niên đại giai đoạn đầu của Văn hóa Sơn Vi, tức giai đoạn sớm của hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, tương đương với tầng văn hoá thứ hai ở Ngườm và là đại diện cho các di tích thuộc truyền thống công cụ hạch cuội ở khu vực Võ Nhai. 

Nằm trong thung lũng Thần Sa, ở xóm Kim Sơn, xã Thần Sa, cách hang Phiêng Tung khoảng hơn 1km về phía Nam, rất thuận lợi cho việc thăm quan, di tích Mái đá Ngườm là di chỉ tiêu biểu và quan trọng bậc nhất trong khu di tích khảo cổ học thời đại đồ đá cũ ở Thần Sa. Nằm trên sườn núi phía Bắc dãy núi Ngườm, phía tả ngạn sông Thần Sa, bước qua lối lên với 72 bậc thang, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự kỳ bí và độc đáo mà ít nơi có được của di tích Mái đá Ngườm. Là một mái đá khổng lồ, Mái đá Ngườm có hình hàm ếch, rộng và thoáng, chiều ngang khoảng 60m, cao chừng 30m, cửa chính hướng ra phía Bắc. Mặt bằng mái đá khá rộng, có một phần thềm nhô ra bên ngoài, tổng diện tích khoảng 700-800m2. Nền mái đá cao hơn mặt sông Thần Sa khoảng 30m và cách con sông này khoảng 50m. Tháng 3/1980, di chỉ Mái đá Ngườm được phát hiện và được các nhà khảo cổ học thực hiện khai quật lần đầu tiên với việc đào một hố khai quật có diện tích là 1m2. Sau đó, vào tháng 3/1981, di chỉ Mái đá Ngườm được khai quật với diện tích 12m2. Tiếp theo, đợt khai quật lần 3 vào tháng 3/1982, thực hiện khai quật 3 hố với tổng diện tích 34m2. Ba hố khai quật này nằm gần với nhau, một hố nằm sát vách đá với chiều dài 8m, chiều rộng 4m. Qua khảo sát sơ bộ, các nhà khảo cổ phát hiện phía trước và trên bề mặt cửa hang có nhiều hòn đá cuội được người nguyên thủy lấy từ dưới sông, suối về làm nguyên liệu chế tác các công cụ bằng đá và khá nhiều vỏ ốc suối bị chặt mất phần cuối do họ đã ăn và để lại. Bên cạnh đó, trong quá trình khai quật, với việc phân tích cấu trúc các lớp đá, màu sắc và tổ hợp các di vật đi kèm, các nhà nghiên cứu cho rằng Mái đá Ngườm có ba tầng văn hóa phát triển liên tục gồm tầng văn hoá thứ nhất (hay còn gọi là tầng sớm nhất), tầng văn hoá thứ hai (hay gọi là tầng giữa) và tầng văn hoá thứ ba (còn gọi là tầng trên cùng).

Tầng văn hóa thứ nhất nằm ở độ sâu từ 1,1m-1,45m, chưa xác định được  niên đại tuyệt đối, nhưng chắc chắn cổ hơn 23000 năm trước Công Nguyên. Tầng văn hóa này xuất hiện các công cụ mảnh tước, phiến tước, công cụ cuội có vết ghè rìa lưỡi. Lớp dăm đá vôi phủ phía trên cho thấy sự biến đổi của khí hậu từ khô lạnh sang nóng hơn. Bên cạnh đó, ở tầng này còn tìm xương răng động vật bán hoá thạch, trong đó có 4 hàm dưới của đười ươi (Pôngô). 

Tầng văn hóa thứ hai nằm ở độ sâu 0,6-1,1m, có niên đại tuyệt đối cổ hơn 23000 năm trước Công Nguyên. Trong tầng văn hóa này có nhiều công cụ hạch cuội dạng ghè một đầu, nhiều mảnh tước, song công cụ mảnh tước nhỏ, dấu tu chỉnh lần hai ít hơn so với tầng văn hóa thứ nhất. Tại đây, cũng tìm thấy xương động vật chớm hóa thạch, trong đó có một hàm dưới của đười ươi còn khá nguyên vẹn. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều nhuyễn thể, chủ yếu là ốc núi, ít ốc suối. Sự xuất hiện phổ biến vỏ nhuyễn thể ở tầng này là bằng chứng về một giai đoạn khí hậu ở đây nóng ẩm.

Tầng văn hóa thứ ba có độ dày 0,6m, với niên đại tuyệt đối là 18000 năm trước Công Nguyên. Di tích động vật ở tầng này chủ yếu là ốc suối, một số ốc núi, một ít xương răng động vật chưa hoá thạch. Các công cụ đã khá tu chỉnh, sắc cạnh, nhỏ gọn và rất đẹp, gồm mảnh tước lớn, nhỏ, phiến tước, công cụ mũi nhọn. Với sự phổ biến của vỏ nhuyễn thể cũng chứng tỏ đây là thời kỳ nóng ẩm mưa nhiều. Đặc biệt, ở tầng văn hoá này, phát hiện hai ngôi mộ với ba cá thể người, chôn theo tư thế nằm nghiêng, trong đó ngôi mộ một táng đơn, ngôi mộ hai là mộ song táng. Sở dĩ như vậy bởi vì có giả thuyết cho rằng, theo quan niệm của người xưa, khi ở trong bụng mẹ, người có tư thế như thế nào thì khi về với đất mẹ cũng ở tư thế đó. Tuy nhiên, cả ba di cốt đều đã bị phân huỷ xương còn sót lại không nhiều. Qua phân tích, di cốt trong ngôi mộ thứ nhất là người trưởng thành khó phân biệt biệt là nam hay nữ, ngôi mộ thứ 2 là di cốt nữ khoảng 35-40 tuổi và ngôi mộ thứ 3 là di cốt một cụ bà tầm 75-80 tuổi cao khoảng 1,6m. Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ thì các di cốt này thuộc văn hoá Hoà Bình và thuộc chủng tộc người Mêlanêdiêng (người khôn ngoan).

Nhằm bổ sung thêm thông tin tư liệu, hiện vật về khảo cổ học, tháng 3 năm 2011, trong một đợt khảo sát, điền dã khảo cổ học, bảo tàng Thái Nguyên đã phát hiện một hàm răng voi hóa thạch tại khu vực sông Thần Sa, đoạn chảy qua địa phận mái đá Ngườm. Theo các nhà khảo học thì đây là hàm răng của loài voi Maximus châu, nặng từ 3000kg đến 5000kg. Loài voi này sống cùng thời với bầy người nguyên thủy, chủ nhân của văn hóa Ngườm, phát hiện tại thung lũng Thần Sa.

Năm 2017, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam và Đại học Wollongong, Australia tiến hành khai quật tại Mái đá Ngườm. Cuộc khai quật này, đã thu được số lượng hiện vật đá rất phong phú về loại hình, thể hiện tính đa dạng và đặc sắc về kỹ thuật chế tác đá. Về niên đại, bước đầu, các kết quả phân tích từ mẫu tro và nhuyễn thể đã cho những kết quả về hệ thống chuỗi niên đại dao động từ 41000 năm tới 23000 năm trước Công Nguyên.

 

Với việc phát hiện tới 24.635 hiện vật ở cả ba hố khai quật, ngoài ra có hàng trăm ngàn dăm tước nhỏ dưới 1cm, cùng với việc nằm trong một quần thể các di tích khác cũng có những dấu tích, hiện vật của người nguyên thuỷ cho chúng ta thấy Thần Sa là nơi trú ngụ của các thị tộc người nguyên thủy đã sống trong thời gian dài, vài chục nghìn năm, từ thời đại đá cũ đến hậu kỳ đá mới; là nơi phát triển liên tục của các cư dân cổ đã sinh sống ở Thái Nguyên. Không những vậy, với các phát hiện khảo cổ học này còn là minh chứng khẳng định khu di chỉ Thần Sa có tồn tại một nền văn hóa khảo cổ học gọi là Văn hóa Thần Sa, thuộc các nền văn hoá khảo cổ ở nước ta từ Núi Đọ qua Thần Sa, Sơn Vi, Hoà Bình và Bắc Sơn. Đây cũng là cơ sở khoa học cho quá trình nghiên cứu sự tiến hóa của loài người không chỉ trên đất nước Việt Nam mà còn cả khu vực Ðông Nam Á. Với những giá trị đó, khu di tích khảo cổ học Thần Sa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1982 và được Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào mục di tích đặc biệt của quốc gia. Năm 2006, nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương và đoàn công tác đã tới thăm khu di tích khảo cổ học Thần Sa. 

Trên hành trình về thăm nơi người tiền sử sinh sống, cư trú trong một số hang động, mái đá ở khu vực này, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng hai thắng cảnh nổi tiếng của Thần Sa đó là thác Bẩy Tầng, thác Mưa Rơi hay còn gọi là thác Nậm Rứt. Đây là những thác nước tự nhiên gần với Mái đá Ngườm. Với những dòng nước trong xanh đan xen với nhau như những tấm rèm lung linh, huyền ảo; cùng với không khí mát mẻ, trong lành của núi rừng nơi đây đã tạo nên bức tranh sơn thuỷ hữu tình cho hai thắng cảnh nổi tiếng này. Và đâu đó xung quanh thác Mưa Rơi và thác Bẩy Tầng có những tiếng chim rừng kêu thánh thót hoà cùng với tiếng thác nước như những bản tình ca lãng mạn ngân nga giữa núi rừng làm say đắm lòng người, như muốn níu chân du khách dừng lại nơi đây để chiêm ngưỡng nét độc đáo và khoảng khắc ấn tượng, thưởng thức không gian thơ mộng để tĩnh nặng tâm hồn, suy ngẫm về cuộc sống người xưa và nay.

Hiện nay, hầu hết các hiện vật khai quật được ở khu di tích khảo cổ học Thần Sa đều được lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Nằm tại địa chỉ số 29B, Đường Bến Tượng, thành phố Thái Nguyên, bảo tàng tỉnh Thái Nguyên là nơi lưu trữ số lượng hiện vật khổng lồ, trên 33.000 hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập quý như bộ sưu tập về Bác Hồ với Thái Nguyên, bộ sưu tập về đồ đá Thần Sa, bộ sưu tập đồ đồng, tiềm năng khoáng sản và không gian văn hoá chè. Nơi đây không chỉ là địa điểm sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và mà còn có không gian trưng bày những bằng chứng, hiện vật về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người ở mảng đất Thái Nguyên, mà còn là điểm thăm quan di sản văn hóa nổi tiếng đáng để du khách lui tới học tập, thưởng thức, cũng như tìm hiểu, ngắm nhìn nhiều hiện vật quý hiếm, độc đáo và lâu đời mà không phải nơi nào cũng có được.

Nằm trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên, khu di tích khảo cổ Thần Sa luôn là một điểm đến của du khách khi tới thăm mảnh đất Võ Nhai anh hùng. Là một khu khảo cổ nổi tiếng, khu di tích khảo cổ Thần Sa được nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế quan tâm và thường xuyên lui tới, bởi nơi đây từng là nơi cư ngụ liên tục và lâu dài của cư dân cổ, cũng là nơi tồn tại nền văn hoá Thần Sa. Bởi vậy, khu di tích này đã trở thành một điểm du lịch vô cùng thú vị và kỳ bí, cuốn hút hàng vạn du khách tới đây thăm quan mỗi năm.

Địa chỉ Xã Thần Sa, Huyện Võ Nhai, Tỉnh Thái Nguyên
Giờ mở cửa 08:00:00
Giờ đóng cửa 18:00:00
Số điện thoại
Thời gian ghé thăm mỗi lượt 2 Giờ
Đánh giá

Độ hài lòng

Bình Luận


    Chưa có bình luận nào.....

Để lại bình luận của bạn
Sơ đồ

Chưa có dữ liệu cho địa điểm này

Địa điểm không tính phí

Điểm du lịch liên quan

Nhắn tin

Không thể tải danh sách tin nhắn

Không có tin nhắn nào!

Không thể tải danh sách tin nhắn