en vi
Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam

Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam

số 1 Đội Cấn, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

() Đánh giá

Thời gian mở

Hàng ngày

Nhận thông báo
Đánh dấu đã đến địa điểm này

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 80km, bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nằm ở trung tâm thành phố Thái Nguyên, có địa chỉ tại số 1 Đội Cấn, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Đây là một trong năm bảo tàng quốc gia, trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, sở hữu gần 50.000 tài liệu hiện vật gốc có giá trị, với diện tích gần 40.000m2, bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên là một trung tâm văn hoá lớn, kiến trúc đẹp và đồ sộ gồm hệ thống trưng bày trong nhà và không gian văn hóa trải nghiệm ngoài trời sống động, tái hiện được nhiều nét văn hóa đặc sắc các dân tộc Việt Nam.

Bước vào khuôn viên Bảo tàng, du khách sẽ dừng chân tại gian long trọng, nơi đặt bức tượng chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba em bé, đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam, thể hiện tình yêu thương của Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở ba miền của đất nước. Đồng thời, thể hiện chính sách thống nhất, đa dạng và đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Xung quanh gian long trọng có ba bức phù điêu lớn được tạc bằng gỗ, mô phỏng những hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc từ Bắc vào Nam. Ngoài những nét khái quát về văn hóa các dân tộc Việt Nam, tại đây bảo tàng còn trưng bày Góc văn hóa ASEAN, nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa các quốc gia trong cộng đồng ASEAN, tăng cường giao lưu, hợp tác và phát triển trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa Việt Nam và văn hóa ASEAN.

Không gian văn hóa của nhóm ngôn ngữ Việt-Mường giới thiệu bản sắc văn hóa của 4 dân tộc gồm Kinh, Mường, Thổ và Chứt.Trước đây, cả 4 dân tộc có chung nguồn gốc, tổ tiên của họ là chủ nhân của nền văn minh Sông Hồng phát triển rực rỡ. Những yếu tố văn hóa chung và riêng của 4 dân tộc lần lượt được giới thiệu theo 3 vùng môi sinh là đồng bằng, thung lũng và miền núi, thông qua các tổ hợp trưng bày cụ thể như bánh chưng, bánh dày, thờ cúng tổ tiên, đình làng, kinh tế nông nghiệp, nhà sàn, trang phục, nghề thủ công truyền thống, lễ hội văn hóa … đã phần nào nêu bật được các giá trị văn hóa đặc sắc của 4 dân tộc nơi đây.

Tiếp theo là không gian trưng bày văn hóa nhóm ngôn ngữ Tày-Thái với 8 dân tộc gồm Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay và Bố Y, cư trú tại các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc. Bản làng của đồng bào đặc trưng với hình ảnh những nếp nhà sàn đơn sơ, những thửa ruộng bậc thang, những chiếc cọn nước cần mẫn từng vòng quay, đưa nước từ sông suối về ruộng, thể hiện sự sáng tạo của đồng bào trong canh tác nông nghiệp và nét đẹp riêng của vùng thung lũng. Bên cạnh đó, những hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc trong lễ hội truyền thống phản ánh đời sống tinh thần và bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái.

Sang phòng trưng bày số 3, du khách sẽ được khám phá không gian trưng bày và giới thiệu văn hóa đặc trưng của các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ Mông – Dao, Ka Đai và Tạng Miến, như dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn, Lô Lô, Phù Lá và một số dân tộc khác. Ở đây, đồng bào rất giỏi canh tác trên nương rẫy và ruộng bậc thang. Chợ phiên là nơi thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa vùng cao như văn hóa ẩm thực, trang phục, nghệ thuật thêu và in hoa văn sáp ong, âm nhạc dân gian …Không gian trưng bày này đã phần nào thể hiện cho du khách thấy được đời sống sinh hoạt, cũng như tập tục và tín ngưỡng đặc sắc của cư dân sinh sống tại miền núi cao.

Tiếp đến là không gian giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ me, như dân tộc Ba Na, Brâu, Bru – Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Giẻ Triêng, H’rê, Kháng, Khơ Me, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Mnông...Ngôi nhà rông là trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng gắn liền với không gian cồng chiêng Tây Nguyên, di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại.

Không gian cuối cùng trong hệ thống trưng bày trong nhà giới thiệu văn hóa mẫu hệ của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (gồm 5 dân tộc: Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru) thông qua kiến trúc độc đáo của đầu hồi ngôi nhà dài Ê Đê với cầu thang lên xuống được khắc tạc hình tượng đôi bầu sữa mẹ, tập tục trao vòng cầu hôn trong hôn nhân truyền thống của người Ê đê, đám cưới của dân tộc Chăm, kiến trúc đồ sộ của tháp Chàm và văn hóa phụ hệ của nhóm ngôn ngữ Hán (với 3 dân tộc: Hoa, Ngái, Sán Dìu), được giới thiệu thông qua các tổ hợp trưng bày về văn hóa của dân tộc Hoa như kiến trúc của Cổng hội quán, Góc phố cổ Hội An, ẩm thực, các nghề gia truyền …

Sau khi thăm quan hệ thống trưng bày trong nhà, du khách thăm quan khu trưng bày ngoài trời rất đồ sộ của bảo tàng (tổng diện tích gần 24.000m2) với sáu không gian vùng văn hóa của nước ta.

Đầu tiên, du khách sẽ dừng chân tại không gian văn hóa vùng núi cao phía Bắc với điểm nhấn là nguyên mẫu ngôi nhà truyền thống của người H’Mông trắng ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Nhà có ba gian chính, gian bên trái đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà, gian bên phải đặt bếp nấu ăn, gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi đón tiếp khách. Bên ngoài nhà có hệ thống quang cảnh vùng cư trú như nương thổ canh hốc đá, ruộng bậc thang, cụm tượng gia đình người Hmông dắt ngựa về chợ.

Chia tay với không gian văn hoá vùng núi cao phía Bắc,du khách sẽ lạc vào không gian văn hóa vùng thung lũng phía Bắc để thưởng thức những tiếng sli, tiếng lượn của các cô gái Tày, Nùng. Tại đây có hai ngôi nhà gồm Nhà sàn của người Tày, huyện Bắc Sơn và nhà đất của người Nùng, huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) cùng với cụm tượng người phụ nữ Thái, Mường lấy nước; hệ thống cảnh quan vùng cư trú (rừng cọ, đồi chè, dòng suối, con quay, cối giã gạo bằng sức nước).

Đến với không gian văn hóa tiếp theo, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh làng quê vùng Trung du – đồng bằng Bắc Bộ với cấu trúc quang cảnh gồm cổng làng, giếng nước, ao làng, đường làng lát gạch nghiêng và hàng cau, mít, tre, trầu, sấu ... bao quanh ngôi nhà truyền thống của người Việt ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi nhà 5 gian được bài trí hết sức gần gũi với bộ trường kỷ tiếp khách, chiếc sập gụ, tủ chè ... Tại gian chính giữa ngôi nhà, du khách sẽ thấy bức hoành phi với tự đề BẢN TRI BÁCH THẾ, nghĩa là GỐC RỄ NGÀN ĐỜI, có ý nghĩa răn dạy con cháu nhớ về công sinh thành của người mẹ và công dưỡng dục của người cha. Ngoài ra, trong nhà cũng  trưng bày một số tài liệu, hiện vật như cày, bừa, cuốc, công cụ dệt vải tơ tằm; đồ thủ công mỹ nghệ như vàng, bạc, khảm trai, trạm khắc gỗ, nghề đá, in tranh dân gian, làm chiếu cói…

Tiếp đến, du khách sẽ hòa mình vào không gian văn hóa ven biển miền Trung với công trình như Tháp Pôklong Grai của đồng bào dân tộc Chăm; Cụm tượng thiếu nữ Chăm đội nước; Xưởng gốm của người Chăm; Đền thờ cá Voi (lăng Ông) được xây dựng theo mô típ lăng ngư Ông ở phường Mân Thái, Quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Hàng năm, vào dịp tết nguyên đán, ngư dân thường đem rượu trắng đến rửa ngọc cốt của cá voi để mong một năm đi biển gặp nhiều may mắn và thuận buồm xuôi gió.

Tại không gian văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên, du khách sẽ chiêm ngưỡng ngôi nhà Rông cao vút, biểu tượng cho sức mạnh, cho sự phồn vinh, văn hóa độc đáo của buôn làng Tây Nguyên cùng với quang cảnh cây Pơ lang, cây Kơ nia và những dải đất, các thác nước chảy để vận hành đàn gió, đàn nước và tượng voi mẹ, voi con; Nhà mồ Ba Na; Cây nêu trong lễ hội đâm trâuvà nhịp múa xoang uyển chuyển với những âm vang của tiếng cồng chiêng sẽ làm cho du khách như đang được hòa mình trong cuộc sống của buôn làng nơi đây.

Cuối cùng, du khách sẽ đến với vùng văn hóa đồng bằng Nam Bộ thông qua ba công trình đặc sắc là Cổng chùa Chăm Ka, Ngôi chính điện chùa Phướng tại Trà Vinh và Tháp đựng cốt của dân tộc Khơme. Ngôi chùa được trang trí bằng đầu rắn, tượng chống mái và những bánh xe luân hồi bao quanh chùa thể hiện sự từ bi của đức Phật và triết lý Phật giáo phái Nam tông. Ngoài ra, khung cảnh miệt vườn Nam Bộ với nhiều cây trái đặc trưng của vùng như nhãn, xoài, vú sữa, bưởi, cùng hệ thống kênh rạch với chiếc cầu khỉ ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cũng được tái hiện tại không gian văn hóa này.

Cùng với những hiện vật phong phú và đặc sắc, bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên còn có hệ thống âm thanh, hình ảnh hỗ trợ tạo nên sự hấp dẫn và thể hiện đầy đủ nhất nét văn hóa đặc sắc cho không gian trưng bày. Bên cạnh đó, bảo tàng thường xuyên mời nghệ nhân các dân tộc tổ chức trình diễn lễ hội, nghệ thuật, trò chơi dân gian và một số hoạt động động thường nhật tiêu biểu như Nghi lễ vào nhà mới của người Mông, múa khèn, ném pao tìm bạn tình, hát sli, hát lượn, lễ hội cầu mưa,… Chính sự kết hợp giữa tĩnh và động, quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và đương đại đã làm nên một bảo tàng gắn kết với đời sống, một điểm đến thú vị để chiêm nghiệm, học tập và sáng tạo cho du khách, học sinh, sinh viên đến trải nghiệm, tìm hiểu về cội nguồn, truyền thống, văn hóa các dân tộc, cùng những câu chuyện văn hóa về con người Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước.

Có thể nói rằng bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên - nơi lưu giữ bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc Việt là “mái nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S, là một trong những địa chỉ thăm quan hấp dẫn không thể bỏ qua khi du khách đến với Thái Nguyên.

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 80km, bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nằm ở trung tâm thành phố Thái Nguyên, có địa chỉ tại số 1 Đội Cấn, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Đây là một trong năm bảo tàng quốc gia, trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nằm cạnh dòng sông Cầu thơ mộng, điểm giao nhau của các trục đường chính đó là Đội Cấn, Hoàng Văn Thụ, Bắc Kạn và Cách Mạng tháng Tám, nên rất thuận tiện cho việc đi lại, tham quan của du khách khi muốn từ đây di chuyển đến những điểm di tích lịch sử và thắng cảnh nổi tiếng khác của tỉnh Thái Nguyên.

Được thành lập vào năm 1960, bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên đã trải qua ba giai đoạn phát triển: từ năm1960 đến năm 1975, từ năm 1976 đến năm 1990, và từ năm 1991 đến nay. Với tên gọi ban đầu là Bảo tàng Việt Bắc. Đây là nơi lưu giữ hình ảnh, tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử thiêng liêng của một thời chiến khu Việt Bắc anh hùng. Đến năm 1976, bảo tàng trở thành ngôi nhà chung lưu giữ và tỏa sáng văn hóa truyền thống của các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước và chính thức đổi tên thành Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam vào năm 1990. 

Nằm trong một khuôn viên rộng lớn với diện tích gần 40.000m²,có nhiều cây cổ thụ, cây xanh, các loài hoa đua sắc màu, cùng hệ thống trưng bày được thiết kế, xây dựng dựa trên cơ sở các nhóm ngôn ngữ kết hợp với văn hoá vùng miền, giới thiệu bản sắc văn hoá 54 tộc người gắn với cảnh quan môi sinh từng vùng cư trú,tái hiện cảnh quan và đời sống đã làm cho bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên trở thành một công trình có kiến trúc đẹp, độc đáo, đặc sắc, mang nhiều tính nghệ thuật và đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình kiến trúc đợt 1 năm 2006.

Là một bảo tàng quốc gia đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với gần 50.000 tài liệu hiện vật gốc có giá trị, bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam không chỉ là một công trình kiến trúc to, đẹp mà còn là một trung tâm văn hoá lớn, nơi lưu giữ, bảo tồn, tuyên truyền và phát huy vốn di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam trên phạm vi cả nước và quốc tế.

Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một công trình đồ sộ gồm hệ thống trưng bày trong nhà và không gian văn hóa trải nghiệm ngoài trời sống động, tái hiện được nhiều nét văn hóa đặc sắc các dân tộc Việt Nam.

Từ cổng chính đi vào, du khách sẽ đi ba chiếu nghỉ và ba cầu thang với 7 bậc lên xuống, để đến khu trưng bày trong nhà. Chiếu nghỉ ở giữa là một sân lớn với hai vườn hoa hai bên tạo ra không gianthoáng mát, là nơi lý tưởng để du khách lưu lại được những bức ảnh đẹp tại đây. 

Khu trưng bày trong nhà của Bảo tàng được định hướng trưng bày kết hợp giữa nhóm ngôn ngữ và văn hóa vùng miền nhằm giới thiệu, thể hiện văn hóa tộc người, địa bàn cư trú, hoạt động kinh tế, văn hóa ẩm thực, trang phục, nhà ở, sinh hoạt văn hóa phi vật thể (các tập tục chu kỳ đời người, âm nhạc, văn học nghệ thuật dân gian…). Khu trưng bày này gồm gian long trọng, 5 phòng trưng bày, 2 hàng lang nhà cầu, với tổng diện tích hơn 2000m2.

Gian long trọng là phòng đầu tiên trong hành trình thăm quan, nơi đặt bức tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ôm ba em bé, đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam.

Phòng 1 trưng bày không gian văn hóa nhóm ngôn ngữ Việt-Mường giới thiệu bản sắc văn hóa của 4 dân tộc: Kinh, Mường, Thổ và Chứt.

Phòng 2 trưng bày và giới thiệu về văn hóa nhóm ngôn ngữ Tày-Thái với 8 dân tộc: Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay và Bố Y.

Phòng trưng bày số 3 là không gian giới thiệu văn hóa đặc trưng của các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ Mông – Dao, Ka Đai và Tạng Miến, như dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn, Lô Lô, Phù Lá và một số dân tộc khác.

Không gian trưng bày của phòng số 4 là giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ me, như dân tộc Ba Na, Brâu, Bru – Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Giẻ Triêng, H’rê, Kháng, Khơ Me, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Mnông...

Không gian cuối cùng trong hệ thống trưng bày trong nhà là phòng số 5 với những trưng bày và giới thiệu về văn hóa mẫu hệ của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (gồm 5 dân tộc: Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru) và văn hóa phụ hệ nhóm ngôn ngữ Hán (với 3 dân tộc: Hoa, Ngái, Sán Dìu).

Bên cạnh đó, mỗi phòng trưng bày đều trang bị hệ thống âm thanh, phim tư liệu để giới thiệu một số hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc mà phần trưng bày không thể biểu đạt hết được. Tất cả các phòng trưng bày trong nhà đều có ban công để ngắm nhìn quang cảnh tổng thể công trình, cũng như có sự kết nối ra vào với vườn hoa bên ngoài để du khách nghỉ ngơi và thưởng ngoạn không gian sắc màu và hương thơm tự nhiên của các loài hoa, cũng như có thể tiếp tục hòa mình ngay vào hệ thống trưng bày ngoài trời, đây cũng là điểm nhấn đặc biệt của bảo tàng.

Hoàn thành vào năm 2010, khu trưng bày ngoài trời có 6 vùng văn hóa gồm không gian văn hóa vùng núi cao phía Bắc (diện tích 4000m2), không gian văn hóa vùng thung lũng phía Bắc (diện tích 4.400m2), không gian văn hóa Trung du - đồng bằng Bắc Bộ (diện tích 3400m2), không gian văn hóa ven biển miền Trung (diện tích 4000m2), không gian văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên (diện tích 4000m2), không gian văn hóa vùng văn hóa đồng bằng Nam Bộ (diện tích 4000m2).

Toàn bộ sáu không gian trưng bàynày đều thể hiện mở, dưới dạng làng bản, có cảnh quan cư trú và những ngôi nhà cụ thể. Tại mỗi không gian văn hóa, thông qua giới thiệu, gắn kết trưng bày với hoạt động trải nghiệm, du khách có thể cảm nhận được sinh hoạt đời thường mộc mạc, giản đơn đã có tự ngàn đời, được tích tụ, bồi đắp trong dòng chảy văn hóa theo thời gian và không gian. Do đó, với sáu vùng văn hóa từ đỉnh Đồng Văn, Hà Giang, địa đầu biên cương của Tổ quốc đến tận cùng Đất mũi Cà Mau của hệ thống trưng bày ngoài trời đãthực sự tạo ra một hành trình khám phá thú vị dành cho du khách khi tham quan bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. 

Bước vào khuôn viên Bảo tàng, du khách sẽ dừng chân tại gian long trọng, nơi đón khách của bảo tàng. Tại đây, du khách được ngắm nhìn bức tượng làm bằng đồng thể hiện chân dungcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba em bé, đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam, thể hiện tình yêu thương của Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở ba miền của đất nước. Đồng thời, thể hiện chính sách thống nhất, đa dạng và đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Xung quanh gian long trọng có ba bức phù điêu lớn được tạc bằng gỗ, mô phỏng những hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc từ Bắc vào Nam. Đó là lễ hội Đền Hùng linh thiêng, thể hiện cội nguồn dân tộc; Điệu múa khèn trong phiên chợ vùng cao; Múa rồng trong hội xuân vùng thung lũng; Lễ hội Ka tê của đồng bào Chăm; Nghi lễ đâm trâu, hội đua voi của đồng bào Tây Nguyên và hội đua ghe Ngo của đồng bào Khơ me Nam Bộ. Ngoài những nét khái quát về văn hóa các dân tộc Việt Nam, tại đây bảo tàng còn trưng bày Góc văn hóa ASEAN, nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa các quốc gia trong cộng đồng ASEAN, tăng cường giao lưu, hợp tác và phát triển trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa Việt Nam và văn hóa ASEAN.

Sau khi thăm quan gian long trọng, du khách sẽ đến phòng thứ nhất trưng bày không gian văn hóa của nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, giới thiệu bản sắc văn hóa của 4 dân tộc: Kinh, Mường, Thổ và Chứt. Trước đây, cả 4 dân tộc có chung nguồn gốc, tổ tiên của họ là chủ nhân của nền văn minh Sông Hồng phát triển rực rỡ. Sau này, do điều kiện của lịch sử, tự nhiên và xã hội, mỗi dân tộc lại có những sắc thái văn hóa riêng được biểu hiện theo chiều hướng khác nhau. Những yếu tố văn hóa chung và riêng của 4 dân tộc lần lượt được giới thiệu theo 3 vùng môi sinh là đồng bằng, thung lũng và miền núi, thông qua các tổ hợp trưng bày cụ thể như bánh chưng, bánh dày, thờ cúng tổ tiên, đình làng, kinh tế nông nghiệp, nhà sàn, trang phục, nghề thủ công truyền thống, lễ hội văn hóa … đã phần nào nêu bật được các giá trị văn hóa đặc sắc của 4 dân tộc nơi đây.

Bên cạnh đó, những hình ảnh quen thuộc của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ như hình ảnh cổng làng, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng có cây đa - giếng nước – sân đình, bàn thờ gia tiên thể hiện đạo hiếu trong đời sống tâm linh, nghệ thuật dân gian múa rối nước độc đáo, những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh … đã thể hiện văn hóa làng xã tiêu biểu của người Kinh. Hình ảnh nhà sàn với cầu thang lên xuống có số bậc lẻ thể hiện may mắn, các vật dụng trong sinh hoạt và lao động sản xuất, trang phục truyền thống thể hiện đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong nghề dệt vải … mang bản sắc văn hóa đặc trưng của người Mường. Sự giao thoa mạnh mẽ với văn hóa của một số tộc người sinh sống cùng khu vực của dân tộc Thổ và dân tộc Chứt được giới thiệu thông qua trang phục, nghề thủ công, các công cụ lao động, dụng cụ trong sinh hoạt đời thường và nhạc cụ trong đời sống tinh thần …

Tiếp theo, du khách sẽ đến phòng thứ hai, nơi trưng bày văn hóa nhóm ngôn ngữ Tày-Thái với 8 dân tộc: Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay và Bố Y cư trú tại các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc. Bản làng của đồng bào đặc trưng với hình ảnh những nếp nhà sàn đơn sơ, những thửa ruộng bậc thang, những chiếc cọn nước cần mẫn từng vòng quay, đưa nước từ sông suối về ruộng, thể hiện sự sáng tạo của đồng bào trong canh tác nông nghiệp và nét đẹp riêng của vùng thung lũng. Cư dân nhóm ngôn ngữ Tày - Thái có quan niệm chung về vũ trụ, con người và những vị thần. Song mỗi tộc người lại có những bản sắc riêng, được biểu hiện rất rõ thông qua nhà cửa, trang phục, tập quán ăn uống, phong tục và lối sống. Trong nhóm ngôn ngữ này, mỗi dân tộc đều có trang phục riêng, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của từng tộc người. Nhà sàn của người Thái đen đặc trưng với kiến trúc mái hình mai rùa có gắn khau cút thể hiện đẳng cấp và vị thế của gia đình, hình trăng khuyết trang trí trên cửa sổ nhà sàn liên quan đến lịch sử di cư tộc người. Những chiếc Tạy – Ho là vật lưu giữ linh hồn của các thành viên nam nữ trong gia đình. Góc bếp sinh hoạt của người Tày phản ánh đời sống sinh hoạt của đồng bào, những món ăn đặc trưng mang giá trị văn hóa riêng. Các nghề thủ công như nghề dệt vải, nghề rèn, nghề gốm khá phát triển với các sản phẩm đẹp và tinh tế, thể hiện trình độ và kỹ thuật của đồng bào. Đời sống tinh thần của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái phong phú với nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức tại các dịp lễ hội như điệu múa xòe, những làn điệu hát then đàn tính độc đáo, đa dạng trò chơi dân gian như đánh yến, kéo co, tung còn. Bên cạnh đó, tôn giáo tín ngưỡng của các dân tộc này được giới thiệu thông qua nghi lễ Lẫu Then và các đạo cụ hành lễ của thầy Tào, thầy Mo … thể hiện niềm tin của đồng bào vào thuyết vạn vật hữu linh, chủ nghĩa đa thần giáo, cùng những tín ngưỡng, lễ nghi liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Sang phòng trưng bày số 3, du khách sẽ được khám phá không gian trưng bày và giới thiệu văn hóa đặc trưng của các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao, Ka Đai và Tạng Miến, như dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn, Lô Lô, Phù Lá và một số dân tộc khác. Đồng bào cư trú tại các tỉnh vùng núi cao phía bắc, chủ yếu ở các rẻo cao, rẻo giữa gắn với môi trường sinh thái núi và rừng, địa hình hiểm trở với những dãy núi đá tai mèo, đường xá đi lại khó khăn. Ở đây, đồng bào rất giỏi canh tác trên nương rẫy và ruộng bậc thang. Chợ phiên là nơi thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa vùng cao như văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, nghệ thuật thêu và in hoa văn sáp ong, âm nhạc… Bên cạnh đó, không gian trưng bày còn giới thiệu góc bếp của dân tộc Mông Trắng, sản phẩm nghề thủ công truyền thống như mộc, rèn, đan lát, dệt vải …, và các tập tục trong cưới xin, sinh đẻ, tang ma, nghi lễ cấp sắc trong chu kỳ đời người, thuốc nam chữa bệnh … Qua không gian trưng bày này đã thể hiện cho du khách thấy được đời sống sinh hoạt cũng như tập tục và tín ngưỡng của cư dân sinh sống tại miền núi cao.

Tiếp đến du kháchtớiphòng trưng bày số bốnlàkhông gian giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ me, như dân tộc Ba Na, Brâu, Bru – Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Giẻ Triêng, H’rê, Kháng, Khơ Me, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Mnông.... Các dân tộc nhóm ngôn ngữ Môn Khơ me cư trú ở vùng Tây Bắc canh tác trên nương rẫy, chủ yếu theo phương thức chọc lỗ - tra hạt. Cư dân vùng Tây Nguyên nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ngôi nhà rông là trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng gắn liền với không gian cồng chiêng Tây Nguyên, di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại. Văn hóa của dân tộc Khơ me cư trú tại vùng đồng bằng Nam Bộ được giới thiệu thông qua Ban chính điện ngôi chùa, thể hiện các tập tục trong chu kỳ đời người gắn liền với các giáo lý đạo Phật được đồng bào tôn sùng. Bên cạnh đó, các nhạc cụ truyền thống trong dàn nhạc ngũ âm cũng phản ánh đời sống tinh thần của người dân. Ngoài ra, kiến trúc nhà ở truyền thống, các sản phẩm của nghề thủ công đan lát, nghề dệt vải, trang phục truyền thống các dân tộc … thể hiện rõ nét những đặc trưng văn hóa độc đáo của cư dân Môn – Khơ Me.

Không gian cuối cùng trong hệ thống trưng bày trong nhà làphòng số 5. Nơi đây sẽ giới thiệu văn hóa mẫu hệ của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (gồm 5 dân tộc: Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru) và văn hóa phụ hệ nhóm ngôn ngữ Hán (với 3 dân tộc: Hoa, Ngái, Sán Dìu). Các không gian trưng bày về kiến trúc độc đáo của đầu hồi ngôi nhà dài Ê Đê, với cầu thang lên xuống được khắc tạc hình tượng đôi bầu sữa mẹ, tập tục trao vòng cầu hôn trong hôn nhân truyền thống của người Ê đê, đám cưới của dân tộc Chăm, kiến trúc đồ sộ của tháp Chàm … đã thể hiện đậm nét dấu ấn văn hóa mẫu hệ. Bên cạnh đó, những nhạc cụ truyền thống, sưu tập tượng nhà mồ và không gian lễ hội bỏ mả giúp du khách hiểu thêm về đời sống tinh thần, quan niệm về sự sống và cái chết cũng như các tập tục trong tang ma của cư dân nhóm ngôn ngữ Nam Đảo. Văn hóa phụ hệ của nhóm ngôn ngữ Hán được giới thiệu thông qua các tổ hợp trưng bày về văn hóa của dân tộc Hoa như kiến trúc của Cổng hội quán, Góc phố cổ Hội An, ẩm thực, các nghề gia truyền, nghi lễ chu kỳ vòng đời … Ngoài ra, phòng này cũngtrưng bày nghi lễ đón dâu của dân tộc Sán Dìu, một số nhạc cụ tiêu biểu trong đời sống tinh thần của các dân tộc nhóm ngôn Hán.

Sau khi thăm quan hệ thống trưng bày trong nhà, du khách thăm quan khu trưng bày ngoài trời rất đồ sộ của bảo tàng (tổng diện tích gần 24.000m2) với sáu không gian vùng văn hóa của nước ta. Đầu tiên, du khách sẽ dừng chân tại không gian văn hóa vùng núi cao phía Bắc với điểm nhấn là nguyên mẫu ngôi nhà truyền thống của người H’Mông trắng ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Nhà có ba gian chính, gian bên trái đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà, gian bên phải đặt bếp nấu ăn, gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi đón tiếp khách. Trong nhà có trưng bày các sưu tập hiện vật gồm công cụ sản xuất; dệt vải lanh, dụng cụ chế biến mèn mén và các vật dụng phục vụ sinh hoạt gắn với góc bếp của người H’Mông. Bên ngoài nhà có hệ thống quang cảnh vùng cư trú như nương thổ canh hốc đá, ruộng bậc thang, cụm tượng gia đình người Hmông dắt ngựa về chợ.

Chia tay với không gian văn hoá vùng núi cao phía Bắc,du khách sẽ lạc vào không gian văn hóa vùng thung lũng phía Bắc để thưởng thức những tiếng sli, tiếng lượn của các cô gái Tày, Nùng. Tại đây có hai ngôi nhà gồm Nhà sàn của người Tày, huyện Bắc Sơn; nhà đất của người Nùng, huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) cùng với cụm tượng người phụ nữ Thái, Mường lấy nước; hệ thống cảnh quan vùng cư trú (rừng cọ, đồi chè, dòng suối, con quay, cối giã gạo bằng sức nước). Toàn bộ mặt bằng sinh hoạt, cách bài trí trong các ngôi nhà đều được tái hiện nguyên gốc, phán ánh chân thực đời sống của đồng bào vùng thung lũng phía Bắc Việt Nam.

Đi qua ngôi nhà truyền thống của người Tày, Nùng, du khách sẽ đến vùng văn hóa Trung du – đồng bằng Bắc Bộ với không gian trưng bày gồm ngôi nhà 5 gian và mặt bằng sinh hoạt truyền thống của người Việt ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Cấu trúc quang cảnh gồm cổng làng, giếng nước, ao làng, đường làng lát gạch nghiêng và hàng cau, mít, tre, trầu, sấu bao quanh. Đi trên con đường làng vùng Kinh Bắc sẽ dẫn tới ngôi nhà 5 gian, với bài trí hết sức gần gũi với mỗi du khách như bộ trường kỷ dùng để tiếp khách, chiếc sập gụ,... Tại gian chính giữa du khách sẽ thấy bức hoành phi với tự đề BẢN TRI BÁCH THẾ, có nghĩa là GỐC RỄ NGÀN ĐỜI. Bức hoành phi có ý nghĩa răn dạy con cháu nhờ về công sinh thành của người mẹ và công dưỡng dục của người cha. Ngoài ra, trong nhà cũng trưng bày một số tài liệu, hiện vật như cày, bừa, cuốc, công cụ dệt vải tơ tằm; Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ như vàng, bạc, khảm trai, trạm khắc gỗ, nghề đá, in tranh dân gian, làm chiếu cói...; Dụng cụ chế biến mắm, chế biến nông sản như chày, cối, chum, vại,…; Các hiện vật gắn với nghi lễ tâm linh; Nhạc cụ và các hiện vật gắn với tôn giáo, tín ngưỡng của người Kinh.

Tiếp đến, du khách sẽ hòa mình vào không gian văn hóa ven biển miền Trung với công trình như Tháp Pôklong Grai của đồng bào dân tộc Chăm; Đền thờ cá Voi (lăng Ông) được xây dựng theo mô típ lăng ngư Ông ở phường Mân Thái, Quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng; Xưởng gốm của người Chăm; Cụm tượng thiếu nữ Chăm đội nước. Hàng năm vào dịp tết nguyên đán, ngư dân thường đem rượu trắng đến rửa ngọc cốt của cá voi để mong một năm đi biển gặp nhiều may mắn và thuận buồm xuôi gió. Các bộ sưu tập đồ thờ cúng, dụng cụ sinh hoạt, công cụ và sản phẩm nghề dệt vải; Các hiện vật gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, từng nghi lễ, nhạc cụ, cùng vớihệ thống cảnh quan vùng cư trú như đoạn cây phi lao, cụm xương rồng và các loại cây khác đã tái hiện không gian sống động và thể hiện sức sống quật cường của người dân ven biển miền Trung.

Dừng chân tại không gian văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên, du khách sẽ chiêm ngưỡng ngôi nhà Rông cao vút biểu tượng cho sức mạnh,cho sự phồn vinh, văn hóa độc đáo của buôn làng Tây Nguyên; Cùng với quang cảnh Cây Pơ lang, cây Kơ nia, và những dải đất, các thác nước chảy để vận hành đàn gió, đàn nước và tượng voi mẹ, voi con, Cây nêu trong lễ hội đâm trâu; Nhà mồ Ba Na, thì các hiện vật sưu tầm như công cụ sản xuất, trang phục truyền thống,dụng cụ gắn với sinh hoạt như Ché, chiêng, trống da voi, công cụ và sản phẩm nghề dệt vải, các hiện vật gắn với từng nghi lễ, nhạc cụ và các hiện vật gắn với tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, cùng với nhịp múa xoang uyển chuyển với nhưng âm thanh vui nhộn của tiếng cồng chiêng âm vang sẽ làm cho chúng ta như đang được hòa mình trong cuộc sống của buôn làng nơi đây.

Cuối cùng, du khách sẽ đến vùng văn hóa đồng bằng Nam Bộ với những sắc thái đặc thù, khó lẫn với các vùng văn hóa khác nhưng vẫn giữ được tính thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Tại đây thể hiện ba công trình đặc sắc là Cổng chùa Chăm Ka, Ngôi chính điện chùa Phướng tại Trà Vinh và Tháp đựng cốt của dân tộc Khơme. Ngôi chùa được trang trí bằng đầu rắn, tượng chống mái và những bánh xe luân hồi bao quanh chùa thể hiện sự từ bi của đức Phật và triết lý Phật giáo phái Nam tông. Với đồng bào Khơ Me, ngôi chùa là “điểm tựa”,là trường học,là nơi thiêng liêng để cử hành các lễ hội và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Ngoài ra, không gian văn hoá Nam Bộ dưới dạng miệt vườn với nhiều cây trái đặc trưng của vùng như nhãn, xoài, vú sữa, bưởi, cùng hệ thống kênh rạch với chiếc cầu khỉ ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cũng được tái hiện trong không gian văn hóa này.

Cùng với những hiện vật phong phú và đặc sắc, bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên còn có hệ thống âm thanh, hình ảnh hỗ trợ tạo sự hấp dẫn và thể hiện đầy đủ nhất nét văn hóa đặc sắc cho không gian trưng bày. Bên cạnh đó, bảo tàng thường xuyên mời nghệ nhân các dân tộc tổ chức trình diễn lễ hội, nghệ thuật, trò chơi dân gian và một số hoạt động động thường nhật tiêu biểu như Nghi lễ vào nhà mới của người Mông, múa khèn, ném pao tìm bạn tình, hát sli, hát lượn, lễ hội cầu mưa,… Chính sự kết hợp giữa tĩnh và động, quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và đương đại đã làm nên một bảo tàng gắn kết với đời sống, một điểm đến thú vị để chiêm nghiệm, học tập và sáng tạo cho du khách, học sinh, sinh viên đến trải nghiệm, tìm hiểu về cội nguồn, truyền thống, văn hóa các dân tộc, cùng những câu chuyện văn hóa về con người Việt Namtrên khắp mọi miền đất nước.

Có thể nói rằng bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên - nơi lưu giữ bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc Việt là “mái nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S, là một trong những địa chỉ thăm quan hấp dẫn không thể bỏ quakhi du khách đến với Thái Nguyên.

 

Địa chỉ số 1 Đội Cấn, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên
Giờ mở cửa 08:00:00
Giờ đóng cửa 17:00:00
Số điện thoại
Thời gian ghé thăm mỗi lượt 3 Giờ
Đánh giá

Độ hài lòng

Bình Luận


    Chưa có bình luận nào.....

Để lại bình luận của bạn
Sơ đồ

Chưa có dữ liệu cho địa điểm này

Địa điểm không tính phí

Nhắn tin

Không thể tải danh sách tin nhắn

Không có tin nhắn nào!

Không thể tải danh sách tin nhắn