Đình Huống Trung được xây dựng vào khoảng thời gian từ năm 1916 đến năm 1920, thuộc địa phận xã Huống Thượng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, trước đây là địa phận huyện Đồng Hỷ, sau đó thuộc về thành phố. Trước đây, ngôi đình Huống Trung cũ được xây dựng trên một quả đồi tròn thấp, thường được gọi là Gò Đình. Đình nằm chếch theo hướng Đông Nam, nhìn về phía chùa La Mạ cũ – phía Đông Nam của làng thời ấy. Từ xa trông lại như một mâm xôi khổng lồ. Vị trí của Đình có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bao quanh tỏa bóng mát như cây đa, trám, hồng pháp… tạo nên không gian xanh, cảnh quan đẹp, thanh bình cho ngôi đền.
Trước đây, đình không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là nơi tổ chức các lớp học văn hóa cho con em trong xã và cũng là địa điểm hoạt động của cán bộ cách mạng. Sau đó, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, bà con trong làng đã tự tay dỡ bỏ ngôi đình để đáp ứng tình hình cách mạng lúc bấy giờ. Cũng từ mảnh đất này, rất nhiều những người con yêu nước đã anh dũng lên đường chiến đấu vì sự độc lập, tự do của quê hương đất nước. Họ đã chiến đấu và hi sinh hết mình. Để tưởng nhớ công ơn của những người chiến sĩ chiến đấu quên mình, Đình Huống Trung không chỉ thờ thành Hoàng làng và cao Sơn Quý Minh (Dương Tự Minh) mà còn lập bàn thờ 23 liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Năm 2009, ngôi đình được phục dựng và tôn tạo lại. Đến năm 2017, đình Huống Trung tiếp tục được tôn tạo, bao gồm có đình và đền Linh Từ. Đình Huống Trung không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, mà còn là nơi hội tụ, gắn kết của các thế hệ con em trong làng, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn đối với công đức của tổ tiên.

Hình 1: Đình Huống Trung ngày nay
Hàng năm Đình Huống Trung tổ chức lễ hội vào ngày 10/10, đây là thời gian làng tổ chức lễ hội “Việc làng”, tức lễ ngày mùa cho người dân nhằm mục đích: giữ gìn và bảo tồn truyền thống của cha ông đã xây dựng nên ngôi đình và tỏ lòng biết ơn đến trời, đất, thần Hoàng làng đã mang đến nhiều điều tốt lành cho dân làng.