en vi
Điểm di tích địa điểm Bác Hồ ở và làm việc tại Đồi Tỉn Keo (1948 - 1954) (ATK)

Điểm di tích địa điểm Bác Hồ ở và làm việc tại Đồi Tỉn Keo (1948 - 1954) (ATK)

Xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên

() Đánh giá

Thời gian mở

Hàng ngày

Nhận thông báo
Đánh dấu đã đến địa điểm này

Di tích lịch sử Tỉn Keo nằm ngay chân đèo De, tựa vào dãy núi Hồng - địa danh nổi tiếng thuộc xóm Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Nằm ở trung tâm “Thủ đô gió ngàn”, Tỉn Keo là nơi “chùa rách, bụt vàng” như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi đây là nơi đặt trụ sở Phủ Chủ tịch trong thời kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc nhiều lần trong những năm từ 1948 đến cuối 1953.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được âm mưu, hành động của thực dân Pháp và Người đã quyết định trở lại căn cứ địa Việt Bắc sau ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (19/12/1946),để xây dựng An toàn khu kháng chiến (ATK kháng chiến) trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang).

Trước đó, với nhận định của Người, tháng 11/1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách để lựa chọn địa điểm xây dựng căn cứ địa cách mạng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đến giữa tháng 12/1946, một số cán bộ trong đội công tác này đã lần lượt lên vùng Việt Bắc làm nhiệm vụ. Sau thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt đã chọn Định Hóa là trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc, nơi“tiến có thể đánh, lui có thể giữ và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng”, có đầy đủ yếu tố địa lợi, nhân hoà. Bởi nơi đây, đồi núi được che phủ bởi những cánh rừng đại ngàn, đồng ruộng xen kẽ đồi, rừng nên có thể tạo nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ và cùng nhiều suối nước trong mát sẽ thuận lợi cho việc phục vụ cho sản xuất, đời sống và chiến đấu lâu dài.Từ đây có thể theo các hệ thống đường mòn chằng chịt, ngang dọc dễ dàng cho việc luồn rừng vượt qua Đại Từ, Tam Đảo về Sơn Tây, Hòa Bình, lên Tây Bắc hoặc tạt xuống đồng bằng châu thổ Sông Hồng, hay mem theo các triền núi để ngược lên Bắc Kạn, Cao Bằng, đến biên giới Việt Trung rất thuận lợi. Đồng thời, người dân nơi đây giàu truyền thống cánh mạng, không khuất phục trước quân thù hung bạo, sẵn lòng chở che cho chiến sĩ cách mạng. Bên cạnh đó, Định Hóa cũng là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên lật đổ ách thống trị của địch, thành lập chính quyền cách mạng, có cơ quan chỉ huy chiến khu Nguyễn Huệ, xây dựng căn cứ sẵn sàng đón Bác Hồ, cùng Trung ương Đảng về lãnh đạo toàn dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 8 chiến sĩ bảo vệ giúp việc là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi chọn đồi Khau Tý là điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hóa. Tại Khau Tý, Bác thay mặt Chính phủ đồng ý lấy ngày 27/7/1947 là ngày “Thương binh liệt sỹ toàn quốc”, sau này trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ”. Cũng tại đây, Bác hoàn thành cuốn “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh XYZ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/1947. Đây là một tác phẩm có ý nghĩa lớn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Bài thơ “Cảnh khuya” của Người cũng được sáng tác tại đây, “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ, Người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Nằm cách mặt ruộng độ 40 - 50m nhìn ra cánh đồng Tỉn Keo thông thoáng, bên trái có suối Khuôn Tát hiền hòa chảy qua, ngược lên 800m là thác Khuôn Tát bảy tầng huyền ảo như 7 bậc thang nhà sàn, lại kề lưng vào Đèo De, núi Hồng hùng vĩ, có một ngọn đồi hình đồi hình đầu ngựa thấp dần về phía trước, quanh năm rợp tán xanh của những cây Trám, Cọ, Vầu, Móc, Trầm hương, đó chính đồi là Tỉn Keo, là Phủ Chủ tịch trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là một trong những nơi Bác ở và làm việc lâu nhất tại ATK Định Hóa (1948-1954), nơi đây đáp ứng những tiêu chí của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ cho các đồng chí giúp việc tìm địa điểm đặt cơ quan: “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta vui/ Tiện đường sang Tổng bộ, thuận lối xuống Trung ương. Nhà thoáng ráo kín mái, gần dân không gần đường”.

Với việc lựa chọn đồi Tỉn Keo nằm dưới chân Đèo De, Núi Hồng, một nơi bản làng nghèo nàn thưa thớt giáp gianh 2 tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang là một sự lựa chọn khoa học mà kẻ địch cũng không thể ngờở chỗ giáp ranh, bản làng nghèo nàn, vắng vẻ lại là nơi “chùa rách, bụt vàng”.Nơi đặt cơ quan đầu não của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nối với Tổng Bí thư Trường Chinh, văn phòng Trung ương Đảng và gần nơi làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vừa bí mật lại bất ngờ và đảm bảo an toàn để chỉ đạo kháng chiến. Chứng tỏ sự nhận định của Bác: "Căn cứ địa vững chắc nhất là lòng dân". Bác cùng các đồng chí Trung ương được đồng bào các dân tộc "Bát cơm xẻ nửa, chăn sui đắp cùng" trở che, bảo vệ an toàn tuyệt đối, chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Người: "Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi"

Từ ngày 7/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc trên đồi Tỉn Keo. Căn lán đơn sơ của Bác ở và làm việc nằm ở lưng đồi Tỉn Keo, có chiều rộng khoảng 3m, chiều dài khoảng 6m, mái lợp lá cọ vách thung nứa, thoáng ráo và kín mái. Bên thềm lán có bờ hoa râm bụt do Bác mang từ Khau Tý về và tự tay Người trồng, sau được bà con lấy giống trồng ở khắp nơi trong vùng. Cùng với lán của Bác còn có lán của anh em bảo vệ, giúp việc, lán họp và chòi gác dưới chân đồi gần sát con suối Khuôn Tát và đường hầm hào thoát xuống chân đồi, bếp ăn đào xuống đất nấu không khói, bếp Hoàng Cầm. Đây là một loại bếp dã chiến, có công dụng làm tan loãng khói bếp tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao, cũng như ở gần. Bếp mang tên người chế tạo ra nó, một anh hùng nuôi quân tên là Hoàng Cầm.

Buổi sáng, Bác và anh em bảo vệ thường ra khoảng đất nhỏ dưới chân đồi để tập thể dục.Cán bộ bảo vệ, giúp việc Bác tại “Phủ Chủ tịch” ở Tỉn Keo, có các đồng chí Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi, Cần, Kiệm, Chính, Liêm, Trung, Dũng, Kiên, Cường. Tên của các đồng chí này được Người đặt để vừa giữ bí mật, vừa là khẩu hiệu thể hiện quyết tâm kháng chiến của chúng ta. Người, cùng anh em bảo vệ trồng rau bí xanh mướt đồi Tỉn Keo và rau cải xoong được trồng ở ven suối, nương ngô trồng ở đèo De, chân núi Hồng. Đi làm nương với Bác có ba anh người Dao là anh Đức, anh Triệu Hồng Thắng, anh Nhất. Dụng cụ làm nương là cuốc và “Con dao quắn phẻn rời”.

Đứng tại căn lán này nhìn ra xung quanh sẽ thấy khung cảnh núi rừng thật hùng vĩ, như một bức tường bao vững chắc để bảo vệ chiến khu, che chở cho các binh đoàn kháng chiến vì sứ mệnh của dân tộc.

“Núi giăng thành lũy sắt dầy”

“Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”

Tại Tỉn Keo, Bác đã đón tiếp nhiều đại biểu nước ngoài như đồng chí LêôPhiGhe, phó chủ tịch Đoàn thanh niên dân chủ quốc tế, Tổng thư ký đoàn thanh niên Cộng hòa Pháp, ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Pháp, Nghị sĩ quốc hội Pháp; đồng chí Sơn Ngọc Minh, nhà lãnh đạo cách mạng Campuchia, Hoàng thân XuPhaNuVông, Chủ tịch mặt trận Lào yêu nước; đầu năm 1954, Bác làm việc với đoàn điện ảnh Liên Xô do đạo diễn RoManCacMen sang làm phim "Việt Nam trên đường thắng lợi".

Tại đây, Người đã soạn thảo và ký nhiều văn kiện quan trọng như:

-Thư gửi Hội nghị quân y lần thứ sáu (9/3/1948) "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu";… "Một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền".

- Thư cho Hội nghị cán bộ Đảng trong quân đội lần thứ tư: "Các đồng chí ta trong bộ đội cần chuẩn bị đầy đủ tinh thần, nghị lực, kế hoạch để lãnh đạo bộ đội vượt qua mọi khó khăn, quyết giành cho được thắng lợi"…

- Lời tuyên bố sau khi Pháp thành lập Chính Phủ bù nhìn, tay sai tại Hà Nội (7/6/1948).

- Lời kêu gọi Thi đua ái quốc: 11/6/1948.

- Ký sắc lệnh số 206 (19/8/1948) thành lập Hội đồng quốc phòng tối cao…

- Qui định tổ chức mới của Bộ Tổng tư lệnh quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam (11/7/1950)

- Thành lập Đảng uỷ mặt trận và Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới (25/7/1950)

Ngày ấy, khi Thu - Đông đến là những người lính cụ Hồ đóng quân trong nhà dân hay trong những cánh rừng xanh của chiến khu Việt Bắc lại hừng hực khí thế, hát vang bài ca ra trận, lời ca ấy cho đến tận bây giờ vẫn làm xốn xang hàng triệu con tim, “Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến. Mặc đường trơn dốc đá, mặc đèo cao mang nặng, ta cứ đi, ta vẫn vui quyết mang chiến công về,… ”.

Tháng 5/1953, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thất bại, Hăng Ri Nava, tướng 4 sao tới Sài Gòn nhận chức Tổng Tư lệnh đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, với hy vọng tướng Navarre có thể xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Dương. Đây là viên Tổng chỉ huy thứ 7 của quân đội Pháp kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau đó, kế hoạch quân sự mang tên Nava ra đời với chủ trương phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tập trung bình định ở miền Nam. Mùa Thu năm 1954 sẽ tập trung quân ra Miền Bắc tiêu diệt chủ lực của ta, nhằm lật ngược thế cờ trên chiến trường, hoàn thành thôn tính nước ta trong vòng 18 tháng. Theo tính toán của Nava đến Thu Đông năm 1954, quân Pháp sẽ buộc ta đứng trước sự lựa chọn: Kết thúc chiến tranh theo điều kiện có lợi cho Pháp hoặc bị đè bẹp.Vào khoảng giữa năm 1953, tướng Nava đã tập trung ở đồng bằng một lực lượng cơ động mạnh chưa từng có, sẵn sàng chờ đón cuộc tấn công của ta.Trước diễn biến chiến cục và cuộc đấu trí quyết liệt giữa ta và định khi bước vào Thu Đông năm 1953 đã dẫn đến trận quyết đấu ở Điện Biên Phủ.

Ngày 20,21,22 tháng 11 năm 1953, quân Pháp bắt đầu nhảy dù đổ quân, vũ khí và quân cụ chiếm Điện Biên Phủ với hàng nghìn tấn vũ khí, trang thiết bị chiến tranh hiện đại và hàng vạn quân tinh nhuệcủa Pháp ở Đông Dương để xây dựngmột tập đoàn cứ điểm cứ điểm chiến đấu với hệ thống hầm hào kiên cố, cùng hệ thống dây thép gai chằng chịt. Căn cứ Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, hai sân bay là Mường Thanh và Hồng Cúm, mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 quân, đảm bảo nguồn tiếp viện trong quá trình tác chiến.Tướng Nava từng tự hào rằng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, là “pháo đài bất khả xâm phạm”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, “cỗ máy nghiền nát mọi cuộc tấn công của Việt Minh”.

Vào hạ tuần tháng 9 năm 1953, ta có được bản kế hoạch Nava. Tại Tỉn Keo, tháng 10/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì hội nghị Bộ chính trị thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 của Tổng quân uỷ hay còn gọi là “Cuộc họp Tỉn  Keo”. Dự họp có đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tổng tham mưu Trưởng Hoàng Văn Thái, các anh Nguyễn Chí Thanh và Trần Đăng Ninh không đến được vì đang bị mệt. Nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày, đôi mắt Bác rất chăm chú. Bàn tay Bác trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại, Người nói “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, không sợ, ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Bàn tay Bác mở rộng, mỗi ngón chỉ về một hướng. Điều đó như đã là chỉ đạo mang tính chiến lược cho chiến dịch Điện Biên Phủ.Sau khi bàn luận, Bộ Chính trị đã xác định phương châm tác chiến của ta là tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, hướng chính của chiến cuộc Đông Xuân 1953- 1954 là Tây Bắc.

Đúng 16 ngày kể từ lúc quân Pháp đổ bộ xuống Điện Biên Phủ, ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, giữa thủ đô gió ngàn Việt Bắc, Hồ Chủ tịch tiếp tục chủ trì cuộc họp Bộ Chính trịnghe Tổng Quân ủy, Bộ tổng tham mưu báo cáo quyết tâm tiến công Điện Biên Phủ. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo, Hồ Chủ tịch cùng các uỷ viên Bộ Chính trị (Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái) phân tích tình hình các mặt và kết luận: Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng chúng có điểm yếu cơ bản là bị cô lập, việc tiếp tế, tiếp viện đều phải dựa vào đường hàng không. Với những kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta tới đây đã có thể đánh được tập doàn cứ điểm này. Vấn đề đường sã tiếp tế cho chiến dịch đúng là một khó khăn rất lớn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương đang chuyển mình trong cải cách ruộng đất sẽ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến. Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh “Trần Đình” và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng quân ủy. Bộ chính trị ra nghị quyết thành lập Đảng uỷ mặt trận Điện Biên Phủ và cử Đại tướng, tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm bí thư Đảng uỷ, chỉ huy trưởng chiến dịch.Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, bạt rừng, xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.

Dưới ánh sáng tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị,Tổng Quân ủy, Bộ tổng tham mưu, sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, ngày 7/5/1954, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi vĩ đại,làm nên một kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”,dẫn đến ký kết hiệp định Giơnevơ 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, chứng minh một chân lý: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định giành thắng lợi.

Ngày nay, di tích lịch sử Tỉn Keo vẫn còn căn lán nhỏ nền đất đơn sơ và giản dị, với những bậc thềm bằng đất cạp bởi cây tre và dây mây rừng, những tường rào quanh di tích cũng gợi hình ảnh dân dã, thân thuộc với màu xanh của cọc tre. Còn đây cây bưởi Đoan Hùng mà cán bộ, nhân dân Phú Thọ tặng Bác được Bác ươm trồng ngay cạnh lán đến nay vẫn tỏa bóng xanh tốt. Vẫn còn đó lũy tre do Bác trồng, biểu tượng cho sức mạnh và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.Những phiến đá cuội gắn lại được quây quanh những cây râm bụt Bác trồng năm xưa vẫn ngày ngày vẫn trổ hoatrước lán Tỉn Keo gợi lên tình yêu quê hương, xóm làng của Bác.

Kế bên di tích lịch sử Tỉn Keo là Bảo tàng ATK Định Hoá được khánh thành vào ngày 17/5/1997. Nơi đây trưng bày gần 400 tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp tại ATK Định Hóa (1947-1954). Ở giữa gian long trọng của Bảo tàng là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư thế “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”.

Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật, căn lán Tỉn Keo và cảnh vật nơi đây năm xưa vẫn còn đó làm cho mỗi du khách tới thăm quan như được sống lại một thời kháng chiến hào hùng cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, vànhững hình bóng của Người, vị cha giàcủa dân tộc thật giản dị và gần gũi với đôi mắt sáng, nụ cười hiền hậu quen thuộcnhư vẫn còn thấp thoáng đâu đây, làm dâng lên trong lòng ta nhữngniềm buồi hồi xúc động nhớ Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về thăm di tích Tỉn Keo, nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi phát tích chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chúng ta mới thấy được sự vĩ đại, kính trọng, biết ơn và tự hào về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Bác Hồ, người mà ngay từ khi đặt chân tới nơi đây đã được đồng bào kính trọng, đùm bọc, chở che và bảo vệ.

Với những giá trị lịch sử đó, di tích Tỉn Keo là vùng đất thiêng liêng của dân tộc, không chỉ là một “địa chỉ đỏ” để các thế hệ người Việt Nam hành hương về nguồn,nơi giáo dục truyền thống cách mạng, nuôi dưỡng ý chí và nghị lực, mà còn trở thành một điểm đến hấp dẫn thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế khi tới Việt Nam

Địa chỉ Xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên
Giờ mở cửa 07:00:00
Giờ đóng cửa 17:00:00
Số điện thoại
Thời gian ghé thăm mỗi lượt 3 giờ Giờ
Đánh giá

Độ hài lòng

Bình Luận


    Chưa có bình luận nào.....

Để lại bình luận của bạn
Sơ đồ
SƠ ĐỒ DI TÍCH NƠI CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH Ở VÀ LÀM VIỆC Ở ĐỒI TỈN KEO - HẦM TRÚ ẨN - - CÂY TRỒNG - - BIA SỰ KIỆN - - HÀO TRÚ ẨN - - BẬC THANG - - BẬC THANG - - BẬC THANG - - LÁN Ở VÀ LÀM VIỆC CỦA BÁC - - SÂN NỀN ĐẤT VÀ XI MĂNG - - LÁN HỌP CỦ A BỘ CHÍNH TRỊ - - BẾP HOÀNG CẦM - ĐƯỜNG ĐI* Chú thích - ĐỒI TỈN KEO - - ĐỒI CÂY - - ĐỒI CÂY - - ĐỒI CÂY - - NHÀ Ở CỦA CÁC ĐỒNG CHÍ BẢO VỆ, GIÚ P VIỆC - - NHÀ TRƯNG BÀ Y A TK ĐỊNH HÓ A - - SÂN - CỔNG VÀO

Địa điểm không tính phí

Nhắn tin

Không thể tải danh sách tin nhắn

Không có tin nhắn nào!

Không thể tải danh sách tin nhắn