en vi
Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK (ATK Định Hoá)

Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK (ATK Định Hoá)

Xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên

() Đánh giá

Thời gian mở

Hàng ngày

Nhận thông báo
Đánh dấu đã đến địa điểm này

ATK Định Hóa hay còn gọi là An toàn khu Định Hóa là một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, là trung tâm của chiến khu Việt Bắc năm xưa, có diện tích 5.200km2 thuộc địa phận các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên, Bảo Linh, Đồng Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phượng, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, giáp danh với tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được âm mưu, hành động của thực dân Pháp và Người đã quyết định trở lại căn cứ địa Việt Bắc sau ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (19/12/1946),để xây dựng An toàn khu kháng chiến (ATK kháng chiến) trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang).

ATK Định Hóa là nơi có địa hình hiểm trở, có lợi thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, tức là“Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng. Núi rừng nơi đây trùng điệp như một bức tường thành, che chở cho các binh đoàn kháng chiến vì sứ mệnh của dân tộc,

“Núi giăng thành lũy sắt dầy”

“Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”

Với đầy đủ yếu tố địa lợi, nhân hoà nên ATK Định Hóa đã được Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bộ Việt Minh, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh, Bộ tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các đồng chí như Trường Trinh, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh đặt làm đại bản doanh, cơ quan đầu não để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (từ 20/5/1947 đến năm 1954).

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Định Hóa là ATK tuyệt mật, đảm bảo an toàn và ổn định để các đồng chí lãnh đạo chủ chốt lúc bấy giờ làm việc ít phải di chuyển”, là địa bàn trọng yếu để Bộ chỉ huy liên khu luận bàn việc nước.

Từ ATK Định Hóa - Thái Nguyên, Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh lãnh đạo cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đã có nhiều quyết sách quan trọng đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nơi đây mãi là niềm tự hào vô bờ của đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

ATK Định Hóa còn là nơi ở và làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng, Cục Chính trị, Cục Quân khí, Cục Quân pháp, Cục Thông tin - Bộ Quốc phòng, Cục Điện ảnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông vận Trung ương, Ủy ban hữu nghị hòa bình thế giới, Cục Bưu chính thông tin, nơi sản xuất vũ khí, đạn dược để phục vụ cho cuộc kháng chiến. Bởi vậy ATK Định Hóa được ví như Thủ đô kháng chiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những ngày đầu dựng nước. Đây cũng là nơi phong quân hàm đợt đầu tiên cho tướng lĩnh Việt Nam (1948), đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng tại đây.

Ngoài ra, với vị trí trung tâm của thu đô kháng chiến, ATK Định Hóa là một trong những nơi đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại biểu nước ngoài như Trung Quốc, Liên Xô và đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp và nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế.

Với nhiều di tích quan trọng và quý giácủa dân tộc ở thế kỷ XX như Nơi thành lập Việt Nam Giải phóng quân, Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại đồi Khau Tý năm 1947, địa điểm Bác ở và làm việc tại Đồi Tỉn Keo (1948 - 1954), cụm di tích Bác ở Khuôn Tát, Nhà sàn và hầm Bác ở đồi Na Đình, địa điểm Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng ở Phông Hiển (1947 -1949), địa điểm cơ quan Bộ tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (1949-1954), thắng cảnh Thác Khuôn Tát, địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, địa điểm thành lập Ủy ban Hòa bình Việt Nam (Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam), địa điểm thành lập Ủy ban kiểm tra Trung ương, địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu 20/10/1950, địa điểm Đồi Pụ Đồn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948) và Nhà tù Chợ Chu, ATK Định Hóa là nơi in dấu lịch sử Cách mạng Việt Nam, là di sản quý giá của dân tộc Việt Nam và được Nhà nước quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 10-5-2012.

Vượt qua những đồi chè xanh mướt,chúng ta sẽ đến với vùng đất ATK Định Hóa – Thái Nguyên giàu truyền thống cách mạng, với điểm dừng chân đầu tiên là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi mà nhân dân các dân tộc quen gọi là Đền thờ Bác Hồ, nằm trên đỉnh đèo De, tựa vào dãy núi Hồng. Đây là công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội xây tặng Thủ đô kháng chiến Thái Nguyên nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890-19/5/2005) để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công lao vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh với non sông, đất nước Việt Nam.

Đền thờ Bác Hồ tọa lạc ở vị trí “Tả thanh long, hữu bạch hổ”, với ba mặt có núi non che chở, mặt tiền nhìn xuống cánh đồng Tỉn Keo, Nà Lọm, xa xa là thác nước bảy tầng Khuôn Tát.

Công trình được xây dựng trên một quả đồi Bát úp (hình mai rùa), theo kiến trúc truyền thống, mái lợp ngói đỏ hai tầng. Toàn bộ các hạng mục công trình có tổng diện tích 16.000m2 gồm cổng Tứ trụ, nhà Tam quan, Nhà đón tiếp, Nhà dâng hương tưởng niệm, trưng bày các hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ cổng Tứ trụ bước lên 115 bậc là tới nhà Tam quan (ghi nhớ công trình xây dựng đúng vào dịp kỉ niệm 115 năm ngày sinh của Bác). Bước tiếp 79 bậc sẽ đến Nhà dâng hương tưởng niệm (ghi nhớ 79 mùa xuân của Bác) được xây dựng theo kiến trúc đền chùa truyền thống, mái lợp ngói đỏ, có hệ thống khuôn viên đường bao quanh như một đóa sen nở và những cánh sen là 79 cây vạn tuế. Bao quanh Nhà tưởng niệm Bác Hồ là rừng cây xanh do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng như cây đa của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; cây Ngọc Lan của chủ tịch nước Trần Đức Lương; Cây đa Đỏ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng,…

Bên trong nhà tưởng niệm, bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 99cm được đặt ở vị trí trang trọng giữa điện thờ. Nơi cao nhất phía trongtreo bức hoành phi “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, đối diện là bức đại tự “Hồ Chí Minh mặt trời sáng mãi”. Sau tượng Bác, phía trên là hình búa liềm và ngôi sao vàng đắp nổi, hai bên là câu đối: 

“Thâu hết tinh hoa kim cổ lại”,

“Xây cao văn hiến nước non này”.

Ngoài ra, còn có câu đề khác:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”,

“Thành công, thành công, đại thành công”

Ở ngay cửa ra vào đền, đặt dọc hai bên cột tả hữu cũng có câu đối:

“Kháng chiến nhất định thắng lợi”

“Kiến quốc nhất định thành công”

Với những hình ảnh giản dị của Bác được trưng bày trong nhà tưởng niệm Bác Hồ như minh chứng cho lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp, mới gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”.Vì thế, đền thờ Bác Hồ là điểm đến đầu tiên của nhân dân, bạn bè quốc tế khi về thăm quan ATK Định Hóa để tìm hiểu lịch sử và kính viếng Bác.

Ngược theo dòng lịch sử, du khách đến thăm địa điểm Nơi thành lập Việt Nam Giải phóng quân tại xã Định Biên. Đúng 10h sáng ngày 15/5/1945, trên thửa ruộng Nà Nhậu phẳng, rộng trước ngôi đình làng Quặng thuộc xã Định Biên, đã tiến hành buổi lễ thành lập Việt Nam giải phóng quân.Với sự có mặt của hơn 200 người của hai đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân, hàng ngũ chỉnh tề xếp, có đại biểu đại diện cho các đoàn thể địa phương và bà con dân làng. Thay mặt toàn thể Việt Minh và Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ, với trang phục áo nâu, chỉnh chu, tư thế nghiêm trang, đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) đã dõng dạc tuyên bố sát nhập hai đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” và “Cứu quốc quân” thành “Việt Nam giải phóng quân”, biên chế 13 đại đội, quân số trên 1000 người. Đồng chí Văn đã căn dặn bộ đội Việt Nam giải phóng quân thực hiện 10 lời thề danh dự và 12 điều kỉ luật, tiếp tục sự nghiệp giải phóng đất nước. Ngày nay, khi du khách bước vào khudi tích Nơi thành lập Việt Nam Giải phóng quân, vẫn còn đócảnh yên bình thân thuộc của làng quê với cây đa,mái đình, cánh đồng lúa. Phía trước khu di tích là cánh đồng Nà Nhậu xanh mướt, thẳng cánh cò bay. Trong khu đất rộng, bằng phẳng phía trước ngôi đình vẫn còn 2 cây đa rất to và xanh tốt. Gần với gốc đa bên trái có dựng một bia lớn ghi dấu và giới thiệu về sự kiện lịch sử năm xưa đã diễn ra tại địa điểm này.

Cách đền thờ Bác Hồ khoảng hơn 1km, du khách đến đồi Khau Tý, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hóa (20/5/1947). Tại đây, Bác cùng 8 chiến sỹ bảo vệ, giúp việc là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi xây dựng “Phủ Chủ tịch đầu tiên”. Tên của các đồng chí này được Người đặt để vừa giữ bí mật, vừa là khẩu hiệu thể hiện quyết tâm kháng chiến của chúng ta. Tại Khau Tý, Bác thay mặt Chính phủ đồng ý lấy ngày 27/7/1947 là ngày “Thương binh liệt sỹ toàn quốc”, sau này trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ”. Cũng tại đây, Bác hoàn thành cuốn “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh XYZ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/1947. Đây là một tác phẩm có ý nghĩa lớn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Bài thơ “Cảnh khuya” của Người cũng được sáng tác tại đây, “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ, Người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Ngày nay, nơi đây vẫn còn đó căn lán Bác ở và làm việc, hầm hào bảo vệ và vầng hoa dâm bụt Bác trồng vẫn lên xanh bên cạnh cây trám Việt Bắc cổ thụ, bao bọc xung quanh là những cây vầu, cọ đã tạo nên một không gian xanh ngát, thu hút nhiều du khách thăm quan và trải nghiệm.

Từ Khau Tý, chúng ta đến thăm quan cụm di tích Bác ở Khuôn Tát nằm trong một không gian xanh ngát, có cảnh đẹp thơ mộng, ruộng bậc thang và những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trên con đường vào lán Khuôn Tát, du kháchđi ngang qua một bãi đất rộng và bằng phẳng nằm dưới tán lá xum xuê của cây đa Khuôn Tát, nơi mà năm xưa, Bác cùng anh em bảo vệhàng ngày thường ra đây tập thể dục, chơi bóng chuyền, tập võ để rèn luyện sức khỏe.Đoạn suối trong mát sau cây đa Khuôn Tát, là nơiBác Hồ từng tắm giặt, ngồi câu cá cùng anh em bảo vệ, giúp việc. Đây là phía thượng nguồn của thác Khuôn Tát, một thắng cảnh đẹp, nằm giữa núi rừng hoang sơ và yên tĩnh, nước từ trên thác cao chảy xuống tung bọt trắng xóa, trải thành 7 bậc, tựa như những bậc thang nhà sàn.

Nằm trên đồi Nà Đình, lán Khuôn Tát là nơi đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọngcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội; nơi Bác viết nhiều tài liệu về củng cố chính quyền, củng cố hậu phương, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang. Tại lán Khuôn Tát, ngày15/01/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cầm quân đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Người đã căn dặn: "Tổng Tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”. "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Thấm thía lời dặn của bác và dựa vào diễn biến thực tế trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", và đó được coi là quyết định quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình tại Đông Dương.

Cách lán Khuôn Tát không xa có căn hầm nhỏ, chắc chắn và thoáng mát. Đây là căn hầm Khuôn Tát, nơi Bác và mọi người tránh bom đạn và máy bay trinh thám của địch năm xưa. Ngày nay, Cây đa, căn lán và hầm nơi Bác từng ở và làm việc tại Khuôn Tát được giữ gìn nguyên vẹn như tình cảm của người dân ATK Định Hóa luôn hướng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Nằm dưới chân đèo De là di tích lịch sử Tỉn Keo, theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nơi “chùa rách, bụt vàng”. Bởi đây là “Phủ Chủ tịch”, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc trong những năm từ 1948 đến cuối 1953.Căn lán thoáng ráo và kín mái, gần dân không gần đường. Cùng với lán của Bác còn có lán của anh em bảo vệ, giúp việc, lán họp và chòi gác dưới chân đồi gần sát con suối Khuôn Tátvà đường hầm hào thoát xuống chân đồi,bếp ăn đào xuống đất nấu không khói (bếp Hoàng Cầm). Buổi sáng, Bác thường ra khoảng đất nhỏ dưới chân đồi để tập thể dục. Trước lán trên đồi Tỉn Keo còn bờ hoa râm bụt do Bác mang từ Khau Tý về, sau được bà con lấy giống trồng ở khắp nơi trong vùng.Trong mái lán cọ đơn sơ năm xưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì hội nghị Bộ Chính trị thông qua “phương án tác chiến mùa xuân năm 1954” của Tổng Quân ủy và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ngày nay, tại di tích lịch sử Tỉn Keo vẫn còn căn lán nhỏ đơn sơ và giản dị, những cây dâm bụt Bác trồng năm xưa ngày ngày vẫn trổ hoa tạo nên những nét quen thuộc như bóng hình của Bác vẫn còn đâu đây.

Đến thăm đồi Pụ Đồn xã Phú Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong hàm Đại tướng đầu tiên của quân đội ta cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam. Theo tư liệu lịch sử,vào lúc 13 giờ, ngày 28-5-1948, tại nơi đây, lễ phong tướng bắt đầu, lịch sử còn khắc ghi giây phút xúc động và thiêng liêng của buổi lễ phong tướng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều binh khiển sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”. Được Bác Hồ và nhân dân tin tưởng, giao trọng trách, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công”, và đã chung sức, chung lòng, làm nên những chiến công vang dội, chói lọi và hào hùng.

Tiếp theo, du khách đến địa điểm di tích Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng ở Phụng Hiển tại xã Điềm Mạc, huyện Định Hóa. Tạiđây, năm 1947, Tổng Bí thư Trường Chinh và cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng đã ở và làm việc để lãnh đạocuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Theo lịch sử ghi lại, ngày đó, xóm Phụng Hiển chỉ có 5,6 mái nhà. Thời gian đầu, Tổng bí thư Trường Chinh cùng gia đình ở nhà ông bà Phùng Thị Vân. Với địa hình cao ráo, phía sau là rừng núi, nhìn xuống cánh đồng Nạ Đút, có con suối hiền hòa chảy quanh nên đồi Khuổi Khê được chọn là nơi dựng nhà lán vàchia thành các khu với tên gọi bí mật là Phòng A là nơi Tổng Bí thư Trường Chinh ở và làm việc; Phòng B nơi đặt Văn phòng Trung ương Đảng (từ 1947 – 1949). Ngày nay, nơi đây có nhà bia lưu niệm ghi lại dấu tích lịch sử này.

Dừng chân tại di tích địa điểm thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương nằm trên đồi Pụ Miếu, xã Điềm Mặc, xưa kia là nơi thành lập, đặt trụ sở đặt trụ sở đầu tiên của Uỷ ban kiểm tra trung ương Đảng. Đồng chí Trần Đăng Ninh, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, cùng gia đình và các bộ đã làm việc và ở tại đây. Từ Ban Kiểm tra Trung ương ở Phụng Hiển, xã Điềm Mặc, đã phát đi nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, về xây dựng hệ thống cơ quan kiểm tra Đảng ở các Liên khu, các tỉnh; là cơ quan tham mưu và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kiểm tra mà Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, góp phần kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Hiện nay, di tích lịch sử này được xây dựng khang trang, vẫn còn đó cây Gội cổ thụ năm xưa đã ghi dấu sự kiện lịch sử này.

Nằm trong xóm Ròong Khoa, xã Điềm Mặc, địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam là di tích thể hiện sự quan tâm sâu sắc và ngay từ những ngày đầu cách mạng, của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người khai sinh Báo chí cách mạng, người thầy mẫu mực của các nhà báo. Nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng như sự ra đời Đoàn báo chí kháng chiến (1947); nơi đặt địa điểm tòa soạn, nhà in và nơi phát hành báo Cứu quốc (1949); địa điểm đồng chí Xuân Thủy tổ chức Ban chấp hành lâm thời của Hội những người viết báo Việt Nam gồm 15 nhà báo. Hiện nay, tại nơi này, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với một số cơ quan xây dựng nhà bia lưu niệm, lưu trữ và trưng bày những hiện vật, hình ảnh gắn liền với sự ra đời, phát triển và hoạt động của báo chí trong những ngày đầu dựng nước và hình ảnh về hoạt động báo chí của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Cũng ở xóm Ròong Khoa, ngày 19/11/1950 trong căn nhà tám mái, hội trường chung của Mặt trận Việt Minh và nhiều cơ quan đoàn thể ở Thủ đô Kháng Chiến Việt Bắc đã diễn ra sự kiện quan trọng, hội nghị hòa bình Việt Nam lần thứ nhất và thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam. Đồng chí Xuân Thủy chủ trị hội nghị thành lập, có sự tham dự của các đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng,Lê Đình Thám, Dương Bạch Mai,linh mục Phạm Bá Trực, và 54 đại biểu đại diện cho đoàn thể,tầng lớp nhân dân. Tham dự còn có đại biểu của phong trào kháng chiến Lào do Hoàng thân Xuphanuvông dẫn đầu và đại diện của Campuchia. Ngày nay, nơi đây đã xây dựng bia di tích trong khuôn viên rợp bóng cây vầu, cọ bên mái nhà sàn dấu ấn một thời hào hùng chiến khu Việt Bắc năm xưa.

Tiếp theo hành trình về nguồn của mình, du khách đến với địa điểm di tích Cơ quan Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (1949-1954) thuộc xã Bảo Linh. Di tích nằm trong một thung lũng nhỏ và đẹp, bao quanh là núi rừng rất kín đáo và bí mật nhưng cũng thuận lợi cho việc liên lạc và đi các hướng.Di tích gồm hai điểm chínhlànơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiêm văn phòng Quân ủy ở đồi Đỏn Mỵ (đồi mít) và cách khoảng 700m là văn phòng Bộ tổng Tư lệnh trên đồi Khau Cuổi (đồi chuối). Nơi đây là trung tâm đầu não quân sự của Đảng ta, xây dựng những kế hoạch quân sự quan trọng, chỉ huy và chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện nay, nơi đây có căn lán nhỏ, phía trước di tích có dựng bia, trên đó có đề “Di tích kháng chiến, Cơ quan Quân uỷ, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.” Bia được hoàn thành vào ngày kỉ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/2004.

Di tích địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tại xã Định Biên là điểm dừng chân tiếp của du khách. Cuối tháng 7/1950, tại làng Quặng, xã Định Biên, lễ sát nhập giữa hai tòa soạn là “Vệ quốc quân” và “Quân du kích” của Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam được diễn ra với quân số tòa soạn là 22 người.Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trình bày lại cuộc thảo luận đặt tên cho báo sau khi sát nhập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định đặt tên báo là Quân đội nhân dân,cái tên ấy nói lên được bản chất cách mạng của quân đội ta, một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Tại nơi đây, trụ sở tòa soạn ngày đó là các nhà lán, được làm bằng cột gỗ, vầu, nứa, lợp lá cọ. Nhà ăn, nhà bếp khá rộng nên được dùng làm hội trường họp hành buổi sáng, buổi chiều phổ biến tin chiến thắng, nói chuyện thời sự. Sau gần 3 tháng chuẩn bị, ngày 20/10/1950, báo Quân đội nhân dân ra số đầu tại thôn Khau Diều, xã Định Biên Thượng (nay là xã Định Biên) và ngày này đã trở thành ngày truyền thống củaBáo Quân đội nhân dân. Đến tháng 10/1954, đã có 153 số báo, với 400 trang báo và hơn 2.000 tin, bài báo được viết và in tại đây. Báo Quân đội nhân dân đã kịp thời phản ánh những kết quả và ý nghĩa những chiến thắng quân và dân ta giành được qua nhiều chiến dịch, góp phần giáo dục ý chí quyết chiến, quyết thắng, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cổ vũ đoàn kết quân dân, luôn bám sát chiến trường, kịp thời động viên bộ đội, toàn dân chiến đấu và chiến thắng, góp phần tích cực vào việc giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây đắp niềm tin và ý chí quyết đánh và quyết thắng kẻ thù xâm lược. Hiện nay, toàn bộ khu di tích địa điểm báo Quân đội nhân dân ra số đầu ở Khau Diều có bia ghi dấu sự kiện, với diện tích của khu di tích rộng khoảng khoảng 3.500m2. Bia được thiết kế hình lá cơ tổ quốc, cán là ngọn bút, ốp đá màu đỏ thẫm ghi sự kiện báo Quân đội nhân dân ra số đầu ngày 20/10/1950. Đài bia đặt trên bộ tam cấp bằng đá hoa cương. Phía sau là rừng chè, rừng vàu, cọ tốt tươi. Nhà văn hóa thôn Khau Diều do báo Quân đội nhân dân vận động các nguồn tài trợ xây tặng, có khuôn viên đẹp đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của đồng bào trong vùng.

Nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định hóa, di tích nhà tù Chợ Chu nằm trên đồi cao ở xóm Vườn Rau, thị trấn Chợ Chu. Nơi đây chủ yếu giam cầm các chiến sỹ Việt Nam yêu nước. Nhà tù Chợ Chu do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1916, được làm đơn sơ bằng bằng tre, gỗ. Năm 1941, nhà tùđược xây dựng lại kiên cố hơn, làm bằng gạch ngói, xi măng và hoàn thành vào năm 1942.Tháng8/1943, sau khi thả hết số tù nhân cũ, thực dân Pháp đưa 100 tù nhân chính trị từ Sơn La về đây giam giữ,trong đó có nhiều đồng chí là đảng viên Đảng Cộng sản. Từ đó, một chi bộ Đảng Cộng sản đã được thành lập, gồm 15 đảng viên Đảng Cộng Sản Đông Dương, lúc đầu do đồng chí Trần Danh Tuyên làm Bí thư, sau đó là đồng chí Song Hào và hai chi ủy viên là đồng chí Tô Quang Đẩu và Tạ Xuân Thu.Do cài được người vào hàng ngũ binh lính địch trong đồn, Chi bộ Nhà tù Chợ Chu thường xuyên được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và đã biến Nhà tù thành trường học, nơi nghiên cứu lý luận Mac–Lênin, học tập phương thức tổ chức, lãnh đạo cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, cũng như tuyên truyền và vận động quần chúng nhân dân giác ngộ cách mạng. Bởi vậy, phong trào cách mạng ở Định Hóa phát triển như vũ bão. Tại đây các chiến sỹ Cộng sản ở Nhà tù Chợ Chu cho ra đời Báo “Thông Ngàn” và xây dựng nhiều màn kịch có nội dung yêu nước, tự hào dân tộc, các bài ca cách mạng để động viên các chiến sỹ cộng sản, những người yêu nước bền gan đấu tranh, chờ thời cơ thuận lợi để vượt ngục ra ngoài hoạt động cách mạng.

Đến cuối năm 1944, tình hình cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ. Trung ương Đảng chủ trương lấy cán bộ ở các nhà tù để xây dựng lực lượng. Chi bộ nhà tù Chợ Chu đã cử và tổ chức vượt ngục cho 12 đồng chí. Sau khi vượt ngục thành công, các đồng chí này đã xây dựng một vùng căn cứ địa hết sức quan trọng ở các huyện Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên), Sơn Dương (Tuyên Quang). Đồng thời, Xứ ủy còn thành lập một cơ quan chỉ huy chiến khu Nguyễn Huệ do đồng chí Song Hào làm bí thư,xây dựng căn cứ đón Bác Hồ và Trung ương Đảng về Tân Trào lãnh đạo toàn dân ta khởi nghĩa giành chính quyền 8/1945 thành công. Cũng từ nhà tù Chợ Chu mà nhiều đồng chí sau này đã nêu cao tâm gương sáng về tinh thần học hỏi, trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh bất khuất và trở thành lãnh đạo cao cấp của đất nước như Thượng tướng Song Hào, Bí thư Trung ương Đảng, Thiếu tướng Tạ Xuân Thu, đồng chí Hoàng Bá Sơn.

Sau năm 1945, nhà tù Chợ Chu đã chấm dứt hoạt động và bị bỏ hoang cho đến nay. Di tích Nhà tù Chợ Chu là nơi ghi dấu tội ác dã man của thực dân Pháp và cũng là biểu tượng sinh động của những người chiến sĩ cách mạng đã hiến dâng cuộc sống, chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Về với ATK Định Hóa hôm nay, du khách không chỉ được ngắm nhìn những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ đã đi vào thơ ca như đèo De, núi Hồng, thác Khuôn Tát, mà còn được thăm quan và đắm mình vào dòng văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc ta, cùng những minh chứng sống động, quý giá ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trongcuộc kháng chiến “Ba ngàn ngày không nghỉ” chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày nay, khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hoá, Thái Nguyên được Đảng, Nhà nước xếp hạng là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt. Với nhiều hiện vật, tư liệu, sa bàn tái hiện không gian thủ đô kháng chiến anh hùng năm xưa, nơi đây không chỉ là điểm thăm quan thu hút ngày càng nhiều du hútdu khách trong nước và quốc tế, mà còn trở thành địa chỉ đỏ, điểm hành hương về nguồn, là niềm tự hào, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Namhôm nay và mãi mãi mai sau.

 

Địa chỉ Xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên
Giờ mở cửa 07:30:00
Giờ đóng cửa 17:00:00
Số điện thoại
Thời gian ghé thăm mỗi lượt 3 hours Giờ
Đánh giá

Độ hài lòng

Bình Luận


    Chưa có bình luận nào.....

Để lại bình luận của bạn
Sơ đồ

Chưa có dữ liệu cho địa điểm này

Địa điểm không tính phí

Nhắn tin

Không thể tải danh sách tin nhắn

Không có tin nhắn nào!

Không thể tải danh sách tin nhắn